Vì sao thực hành Chánh niệm lại giúp bạn hạnh phúc hơn ?

VÌ SAO THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM LẠI GIÚP BẠN HẠNH PHÚC HƠN ?

   Xuất phát từ một khái niệm trong Phật giáo, “chánh niệm” là một trong Bát Chánh Đạo, là phương pháp giúp cho con người giải thoát khỏi sự khổ đau và tìm kiếm sự giác ngộ. Chẳng hạn khi sự sống cận kề cái chết, sự căng thẳng và lo lắng lan tỏa trong cộng đồng, lúc đó, chúng ta nhận ra rằng mình cần nhìn lại và “chánh niệm” với cuộc sống của chính mình để kiếm tìm sự hạnh phúc đến từ bên trong nội tại. Vậy sau đây các bạn hãy cùng IAPE tìm hiểu “chánh niệm” là gì nhé?

 

Định nghĩa về Chánh niệm

   Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ: “Chánh niệm là nhận thức từng khoảnh khắc ở hiện tại và không phán xét”. Chánh niệm còn là một trạng thái ai cũng có thể thực hiện chứ không phải là một năng lực chỉ một vài người đạt được.

   Vậy nên chánh niệm (chú tâm) nghĩa là thực hành nhận thức đầy đủ khoảnh khắc hiện tại – toàn tâm toàn ý và không phán xét – thay vì đắm chìm trong quá khứ hoặc suy tư về tương lai. Hiểu đơn giản hơn là khi ta ý thức được ta đang ở đâu, đang làm những gì với thái độ không phán xét, không phản ứng thái quá hoặc bị choáng ngợp với những gì diễn ra xung quanh.

   Chánh niệm có thể được bắt đầu và luyện tập bởi một số hoạt động như thiền định. Chúng ta thường hay hiểu lầm chánh niệm nghĩa là thiền, nhưng thật ra thiền là một cách để thực hành chánh niệm chứ không phải là tất cả của chánh niệm.

Thiền và Chánh niệm

   Dựa vào một định nghĩa khác của Jon Kabat Zinn - người tạo ra liệu pháp giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR): “Chánh niệm là nhận thức đến từ sự chú ý có mục đích vào thời điểm hiện tại một cách không phán xét” và “Thiền định là làm cho tạp niệm của tâm trí lắng xuống bằng cách quan sát hơi thở”

   Kabat Zinn cho rằng chánh niệm đến từ nhận thức hiện tại “ở đây và bây giờ” và khi thiền định cũng phải tập trung vào hiện tại để quan sát hơi thở, và sự tương đồng này có thể lý giải tại sao thường có sự nhầm lẫn giữa thiền và chánh niệm.

Lợi ích của Chánh niệm

Cải thiện trí nhớ và khả năng chú ý: Những người thực hành thiền chánh niệm cho thấy khả năng chú ý của họ lớn hơn. Hiệu quả đến từ sự tập trung, chú ý có chọn lọc.

Tăng cảm giác hạnh phúc và kiểm soát nóng giận tốt hơn: Những người có kinh nghiệm thực hành thiền chánh niệm có khả năng điều hòa cảm xúc tốt hơn, có nghĩa là họ đã tập trung nhiều hơn vào thực tại ngay cả khi có những tác nhân gây cảm xúc khó chịu

Cải thiện mối quan hệ: Tương tác tốt với mọi người mọi người xung quanh

Giảm căng thẳng và cơn đau mãn tính: Giảm căng thẳng cuộc sống, kiệt sức công việc, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ cải thiện cuộc sống với các bệnh lý mãn tính: tiểu đường, cao huyết áp, đau mãn tính.

Cải thiện khả năng nhận thức và nâng cao sức khỏe tinh thần: Siêu nhận thức là việc bạn có thể tự quan sát cảm xúc và quá trình tinh thần của chính mình, lùi lại quan sát chính mình và cảm nhận chúng như những sự kiện thoáng qua. Chứ không phải bị cuốn theo những cảm xúc, suy nghĩ mà quên mất hiện tại, xung quanh.

Giảm cân và cải thiện chứng rối loạn ăn uống: Tập trung vào cảm giác đói, hương vị của món ăn. Từ đó ăn uống chánh niệm giúp bạn xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh hơn.

Khi nào thì nên thực hành Chánh niệm?

Bạn đang gặp phải vấn đề về rối loạn lo âu và trầm cảm

Bạn cảm thấy khó tập trung và hay bị xao nhãng

Bạn hay gặp căng thẳng trong cuộc sống

Bạn hay suy nghĩ về những điều tiêu cực

Bạn gặp khó khăn trong việc yêu thương chính mình

Bạn có chế độ ăn uống không lành mạnh, lúc nào cũng ăn vặt

Bạn có những mối quan hệ “không vững mạnh” như ý bạn muốn

Cách thực hành Chánh niệm

   Chánh niệm có thể thực hành bởi thiền định, những một số người cũng có thể thực hành chánh niệm ngay trong đời sống sinh hoạt thường ngày bằng cách tập trung vào hiện tại và làm dịu đi cuộc đối thoại nội tâm sẽ giúp cho bạn đạt đến trạng thái chánh niệm.

   Quan sát hơi thở: Dành một vài phút để bạn nhận thức được hơi thở của bạn đang đi vào và đi ra như thế nào, cảm nhận độ căng của bụng bạn tăng hay giảm khi đang điều hoà hơi thở.

   Lắng nghe không phán xét: Thử lắng nghe người khác nói chuyện và quan sát cảm xúc cũng như suy nghĩ của bản thân một cách sâu sắc mà không đưa ra lời phán xét cho người khác.

   Tập trung vào thực tại: Thay vì cứ lo nghĩ về quá khứ hoặc tương lai thì hãy cố tập trung vào những gì đang diễn ra trước mắt bạn. Dành thời gian để ý đến những thứ trong thế giới xung quanh bạn, bao gồm cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của chính bạn. Tập trung sống chậm lại và tận hưởng những thứ bạn đang trải nghiệm. Nếu bạn đang ăn thì hãy tập trung cảm nhận vào hương vị, màu sắc và chi tiết của món ăn. Nếu bạn đang trên đường đi đâu đó, hãy tập trung vào cảm giác khi bước đi, khi từng ngọn gió thổi ngang người bạn. Để ý bất kỳ hoạt động nào của bản thân và quan sát cử chỉ, hành động, cảm nhận những cảm xúc phát sinh và biết ơn những gì đang hiện hữu trước mắt mình.

   Thực hành thiền chánh niệm: Thực hành thiền chánh niệm thường xuyên mang lợi ích cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn. Ngồi một nơi yên tĩnh và dành ra ít nhất 5 phút và bắt đầu quan sát những suy nghĩ mà không phán xét và nhẹ nhàng mang sự tập trung trở lại khoảnh khắc hiện tại khi bạn để ý thấy tâm trí đang đi lang thang.

Một số lưu ý khi thực hành Chánh niệm

   Thực hành chánh niệm ở một mức độ phù hợp với chính mình sẽ đạt được những thành tựu trong đời sống. Tuy nhiên, việc lạm dụng chánh niệm cũng có thể đem lại một số nguy cơ, bao gồm:

Nguy cơ giảm khả năng nhận thức về trải nghiệm thực tế khi quan sát bản thân quá nhiều

 Dựa dẫm vào trạng thái chánh niệm thay vì đối diện với khó khăn để để giải quyết vấn đề- Lạm dụng chánh niệm quá mức có thể gây ra ảo giác, tri giác sai thực tại hoặc là xuất hiện giải thể nhân cách

Chánh niệm không thể thực hiện một cách nhanh chóng hay là liều thuốc chữa được bách bệnh.

Chánh niệm không thích hợp để xử lý mọi vấn đề, nó chỉ có thể hữu dụng khi được thực hành đúng lúc, đúng cách và được kết hợp với các hình thức trị liệu, điều trị khác theo sự hướng dẫn của chuyên gia và bác sĩ.

 

   Bên cạnh những lợi ích khi thực hành chánh niệm vẫn có những nguy cơ tiềm tàng khi bạn quá lạm dụng phương pháp này. Vì vậy, khi lựa chọn và thực hành hãy lưu tâm đến những bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, gây đau khổ cho bản thân mình. Vậy nên hãy thực hành chánh niệm đúng cách, đúng lúc để giúp cho bản thân trở nên hạnh phúc hơn bạn nhé! 

- Ngô Đinh Hoàng Thùy Dung -

 
 

 

 
 
 
 
 
Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069