“Tình bạn đẹp” ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thế hệ Gen Z?

“Tình bạn đẹp” ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thế hệ Gen Z? 

  Thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi cũng là lúc chất lượng của các mối quan hệ xã hội suy giảm, không chỉ xuất hiện ở người trưởng thành Gen M, Gen Y mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ bạn bè của thế hệ Gen Z - thế hệ được sinh ra trong thời khắc chuyển giao sang nền cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

 

Thực trạng “mất kết nối” với mối quan hệ xã hội của thế hệ Gen Z

   Thế hệ Gen Z được tiếp xúc với Internet từ khi còn nhỏ và ngay tại thời điểm công nghệ 4.0 xuất hiện thì một bộ phận các bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức rõ được tác hại của Internet đối với phương diện kỹ năng xã hội, sức khỏe tinh thần của con em mình, từ đó tạo điều kiện cho con mình xuất hiện hành vi “nghiện internet”, “nghiện game”, “nghiện smartphone”,.... ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều phương diện trong sự phát triển của con, đặc biệt là các mối quan hệ xã hội.

   Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa dựa trên khách thể là 400 sinh viên đang theo học tại các trường đại học chính quy trên địa bàn TP.HCM đã đưa ra kết luận nghiện Smartphone có liên quan đến sự cô đơn và nhút nhát: “Khi sinh viên sử dụng smartphone thì những người có tính cô đơn, nhút nhát là nhóm người sử dụng nhiều, để bù đắp sự thiếu sót giao tiếp trong thế giới thực, họ sử dụng smartphone để giao tiếp với thế giới ảo, đồng thời xem smartphone như là một công cụ bù trừ, giải tỏa sự cô đơn, nhút nhát qua các chức năng giải trí”.

 

   Lạm dụng internet hay smartphone khiến cho thế hệ Gen Z “ảo tưởng” về chính mình, “lầm tưởng” không đúng về cuộc sống xã hội bên ngoài và nghiêm trọng hơn là “sống trong thế giới ảo”, từ chối kết nối với xã hội bên ngoài. Các bạn trẻ khi đối diện với áp lực cuộc sống thì hay thu mình lại và lên mạng xã hội để thể hiện cảm xúc hoặc chơi game để “xả stress”, từ đó hình thành các mối quan hệ “ảo” và dần tách rời khỏi các mối quan hệ “thật”.  

   Cũng khi các nguồn thông tin không chính thống ngày càng xuất hiện nhiều trên internet, không chỉ riêng với thế hệ Z mà cả những người trưởng thành chưa đủ sự hiểu biết và kiến thức thì hay bị “dắt mũi” bởi các nguồn thông tin “lá cải” đó. Dẫn đến việc hành xử không đúng cách, mất tin tưởng lẫn nhau và có những suy nghĩ, hành vi sai lệch.

Chất lượng cuộc sống suy giảm khi thiếu “Tình bạn đẹp”

    Cuộc sống càng bộn bề, càng gian nan thì thế hệ Gen Z lại có xu hướng thu mình và dựa dẫm vào mạng xã hội thay vì kiếm tìm một người bạn để giải bày tâm tư. Từ đó làm giảm đi sự tương tác xã hội và mất đi các kỹ năng mềm trong cuộc sống. Ngoài internet thì vấn đề bất đồng trong mối quan hệ cũng là một phần khiến cho Gen Z dần tách rời và tạo dựng các mối quan hệ “giả”. Thiếu đi mối quan hệ bạn bè sâu sắc hay còn gọi là “tình bạn đẹp” dễ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần cũng như các căn bệnh, rối loạn khác như:

- Trầm cảm

- Rối loạn lo âu và căng thẳng

- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

- Cô lập xã hội

- Rối loạn cảm xúc

- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)

- Rối loạn thách thức chống đối (ODD) 

- Hội chứng Peter Pan

   Nghiêm trọng hơn là xuất hiện hành vi tự hại khi các bạn trẻ cảm thấy cô đơn và muốn thu hút sự chú ý, quan tâm của mọi người xung quanh, nặng nề hơn là các bạn muốn kết thúc cuộc sống để “giải thoát” cho chính mình.

Cùng nhau nâng cao chất lượng “Tình bạn đẹp” 

   Giáo dục là điều kiện không thể thiếu để duy trì và phát triển đời sống của xã hội loài người, vì thế giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và cảm xúc xã hội của con người. Trong thời đại hiện nay, giáo dục phải linh hoạt chuyển đổi theo từng giai đoạn để phù hợp với thế hệ mới, và dĩ nhiên giáo dục thường đến từ hai phía là giáo dục trong trường học và giáo dục trong gia đình.

   Trong trường học: Tình bạn là mối quan hệ quan trọng của thiếu niên, chất lượng tình bạn với bạn thân có ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của các em. Trường học cần phải chú trọng vào phong cách giao tiếp giữa giáo viên và học sinh trong thời đại hiện nay. Bởi vì học sinh thế hệ Z - một thế hệ “mở”, năng động và sáng tạo nhưng để phát huy hết năng lực của học sinh thời đại mới, thì giáo viên ngoài không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn còn phải rèn luyện kỹ năng tiếp nhận thông tin trên internet để hiểu rõ được tâm lý học sinh, dễ dàng trao đổi và điều chỉnh phong cách giao tiếp linh hoạt trong dạy học. Cũng như ngoài giờ học, giáo viên cũng cần trò chuyện chia sẻ với học sinh, để ý những hành vi cảm xúc khác thường của các em, đặc biệt nên công tư phân minh đối, không được thể hiện thái độ thiên vị với bất kỳ cá nhân nào. Từ đó dễ dàng hình thành nên sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh, tác động tích cực đến mối quan hệ giữa học sinh và học sinh, xây dựng nên mô hình trường học hạnh phúc. Trường học cũng cần tổ chức các buổi chuyên đề thường xuyên về các chủ đề liên quan đến mối quan hệ bạn bè, cách giao tiếp, cách ứng xử tử tế trong trường học,.... giúp học sinh nhận biết được mối quan hệ bạn bè lành mạnh và mối quan hệ bạn bè tiêu cực.

   Trong gia đình: Gia đình cần quan tâm con em đúng cách, dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con cái, lắng nghe con chia sẻ về chuyện học tập, bạn bè, … trở thành một người bạn “lớn” của con. Khi cha mẹ có sự gắn bó “đủ” và “đúng” sẽ giúp con có một tâm thế thoải mái, cũng như biết cách nhận biết được bạn xấu và trân trọng những người bạn tốt xung quanh mình. Cũng như khi con có vấn đề gì sẽ tìm đến ba mẹ để giãi bày tâm tư, giảm bớt các gánh nặng tinh thần và ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn.

   Trong cuộc sống xã hội: Để có thể thích nghi và linh hoạt với môi trường xã hội thì cần có sự kết hợp của cả gia đình và trường học, giúp cho thế hệ Gen Z khám phá bản thân thông qua hoạt động giao tiếp xã hội. Tạo ra môi trường để các em gắn kết với bạn bè nhiều hơn thông qua các hoạt động xã hội trong và ngoài trường, giao lưu và hội nhập với quốc tế, thúc đẩy tinh thần tự lập, tự chủ và nâng cao sự gắn bó, đoàn kết giữa người với người. Ngoài việc tập trung nâng cao chỉ số thông minh (IQ), chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) thì còn cần đề cao chỉ số lòng trắc ẩn (LQ), giúp các bạn trẻ “sống yêu thương, sống chan hòa, sống sẻ chia” với cộng đồng xã hội.

 

   Bài viết tham khảo từ: Sinh viên và điện thoại thông minh (smartphone): Việc sử dụng và những ảnh hưởng đến học tập và quan hệ xã hội. Tạp chí Khoa học Xã hội, 2(222), 13-30, Nghĩa, N. X., Phương, P. T. M., Ánh, Đ. T. K., & Trang, N. T. (2017). 

  Nguồn ảnh: Sưu tầm internet, thư viện pháp luật 

Ngô Đinh Hoàng Thùy Dung -
 
 
 
 

 

 
 

 

 
Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069