Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti, mặc cảm vì mình không hoàn hảo, xuất phát điểm của mình không bằng họ? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình không nên có mặt trên đời? Nếu bạn đã từng như vậy thì hãy thay đổi suy nghĩ để cuộc sống tốt hơn.
Không ai trong chúng ta sinh ra đều trở thành người hoàn hảo. Bạn không phải là bản sao của bất cứ ai và cũng không có người nào sống thay cho bạn. Thế tại sao bạn lại quan tâm đến cảm nghĩ của người khác? Tuy không được lựa chọn nơi mình sinh ra, hoàn cảnh sống nhưng sống như thế nào, sống ra sao lại phụ thuộc hoàn toàn bởi chính bạn, đúng như câu nói “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Trong thời đại phát triển như hiện nay, con người luôn cần phải có sự tự tin để thử sức trong nhiều lĩnh vực, tạo nên nhiều thành tựu, vượt qua khó khăn mới có thể vươn tay tới thành công. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người thiếu mất tự tin trong cuộc sống, họ trở nên khép kín, lo sợ về khả năng của mình và đôi khi lại trở nên tự phụ khi đánh giá sai về năng lực thật sự của mình. Điều đó đã trở thành rào cản cho sự phát triển của bản thân, xã hội và đất nước.
1/ Thế nào là một người tự ti?
Tự ti là những người luôn có tâm thế, suy nghĩ rằng mình thua kém người khác về mọi mặt. Tự ti là một dấu hiệu của tâm lý mặc cảm về thân phận nên không dám tranh luận, thi thố, hay thể hiện mình trước người khác. Những người tự ti rất khó thành công trong cuộc sống, tự ti làm cho họ khó có thể hòa nhập được với tập thể, đồng đội, cộng đồng. Vì tự ti nên họ trở nên khép kín, thu mình và không dám thể hiện bản thân, song xuất hiện tình trạng hoang tưởng do không tiếp xúc với môi trường tập thể, cuộc sống xung quanh. Những suy nghĩ tiêu cực về bản thân như ngoại hình, màu da, hoặc một cơ thể bị khiếm khuyết làm cho họ cảm thấy xấu hổ, trở nên không quyết đoán, cũng không dám thử sức ở các lĩnh vực, cơ hội mới vì tâm lý sợ thất bại, bị cười nhạo.
Chung quy lại, những người tự ti luôn có điểm chung là khao khát được mọi người xung quanh yêu quý, ca ngợi, an ủi, mong ước bản thân mình tốt lên, thế nhưng họ luôn sợ hãi trước những ánh mắt của xã hội, không dám đương đầu với thử thách mới mà thường chọn cách trốn tránh dưới cái vỏ bọc hiền lành, an phận, khiêm tốn đến hèn mọn, vừa đáng thương vừa đáng trách. Nếu bạn cứ mãi than thân trách phận, so sánh với những người có điều kiện tốt hơn mình, tránh né những cơ hội phát triển bản thân thì bạn vẫn mãi là bạn của ngày hôm qua. Mỗi chúng ta đều có những ưu điểm, tính cách, sở trường khác nhau, nó chính là cơ sở tạo nên giá trị bản thân, sự phát triển, và thành công ở mỗi người. Không ai giống ai trong xã hội cả. Bạn có biết những mầm non sống trong điều kiện tươi tốt lại yếu ớt hơn những mầm cây vốn sinh ra trong môi trường khắc nghiệt? Tất nhiên lúc vừa mới nảy mầm nó cũng chẳng hề muốn mình sỉnh ra trong môt điều kiện không thuận lợi như thế. Tuy nhiên, cuộc sống đã chọn nó, nên nó phải sống và vươn mình về phía có ánh sáng, để được sống một cách kiêu hãnh và đẹp đẽ.
2/ Tác hại của tự ti là gì?
Tự ti không phải là loại tích cách hiếm có, bạn có thể nhận thấy ở những người xung quanh, gia đình, bạn bè hay thậm chí là chính bạn đôi khi cũng có những mặc cảm, tự ti trong lòng. Giờ đây tự tin được xem là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt là giới trẻ, nhưng ít ai trong chúng ta nhận biết được những hậu quả nguy hiểm của căn bệnh này. Sau đây là một số hậu quả thường gặp của tự ti:
Ảnh hưởng tâm lý: Tự ti ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý. Những người trong nhóm này thường sẽ từ bỏ hi vọng về bản thân, luôn cảm thấy áp lực và mệt mỏi vì cảm thấy mình cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ so với người khác.
Luôn sống trong sự khó chịu: Vì luôn so sánh bản thân với người giỏi hơn nên họ luôn cảm thấy buồn tủi và chịu đựng sự dày vò tâm lý do chính mình tạo ra.
Đánh mất cơ hội: Dù họ có tài giỏi đến đâu nhưng không đủ tự tin thể hiện cho người khác thấy thì những cố gắng của họ đều vô dụng. Việc này sẽ khiến họ mất đi những cơ hội tốt để phát triển bản thân. Hãy nhớ rằng nếu bạn không thành công thì người khác sẽ thành công.
Nguồn: kanall.com.vn
3/ Nguyên nhân của sự tự ti là gì?
Có thể nói yếu tố quan trọng nhất gây ra sự tự ti chính là gia đình. Những người không tự tin thường rất cần sự ủng hộ, động viên của những người xung quanh đặc biệt là gia đình. Tuy nhiên, do bận rộn công việc nên phần lớn các bậc phụ huynh không thể làm tốt điều này, thậm chí cha mẹ thường so sánh con mình với “con nhà người ta”. Cha mẹ có thể khích lệ con để phấn đấu nhiều hơn, nhưng nếu làm điều đó bằng cách so sánh, thì không phải là lựa chọn đúng đắn. Ngược lại còn mang đến kết quả không mong muốn, đó là làm tổn thương tinh thần của con cái, khiến chúng nghĩ bản thân thật vô dụng và không nên có mặt trên đời này.
Bên cạnh đó, những thay đổi bất ngờ về tâm - sinh lý trong giai đoạn tuổi dậy thì cũng khiến nhiều bạn cảm thấy mặc cảm về ngoại hình, thường tỏ ra rụt rè trong giao tiếp, thậm chí ngại tiếp xúc với người xung quanh, bối rối trong việc xử lý những vướng mắc của mình. Từ đó, các bạn không hài lòng về bản thân, chán nản và dần rơi vào tuyệt vọng.
4/ Sáu cách "vượt rào" tự ti
Nếu bạn đang là một người tự ti thì cũng đừng lo lắng nhé. Vì nếu được phát hiện sớm thì ta càng dễ hạn chế tác hại của nó. Dưới đây là những cách mà bạn nên áp dụng nếu bạn hay người xung quanh của bạn đang có những biểu hiện của căn bệnh này.
Đồng hành và chia sẻ: Nếu không may người quen của bạn đang mắc phải căn bệnh này thì việc bạn cần làm là bên cạnh họ, trở thành một người bạn, lắng nghe và bao dung với họ. Nếu chính bạn là người đang chịu đựng thì hãy tìm đến gia đình hoặc bạn bè để nói lên những suy nghĩ trong lòng. Đừng lo lắng, họ sẽ hiểu và giúp bạn vượt qua thôi.
Chấp nhận và yêu thương chính mình: Mỗi người đều có những ưu và khuyết điểm nhất định. Điều quan trọng là chúng mình phải biết phát huy ưu điểm, đồng thời tìm ra khuyết điểm của mình để chấp nhận và khắc phục nó.
Ngừng so sánh mình với người khác: Càng so sánh, bạn sẽ càng tự ti hơn đấy. Giây phút bạn đặt mình lên bàn cân, chính là lúc bạn tự thừa nhận rằng bạn đang thua kém họ. Hãy tự hào vì bạn là chính bạn, không phải là một ai khác mà.
Dám đương đầu với thử thách: Đứng trước khó khắn, đừng hỏi “Tại sao lại là tôi” mà hãy tự tin nói “Cứ thử thách tôi đi”. Đừng bao giờ ngần ngại đối mặt với khó khăn, thử thách. Có thể bạn sẽ thất bại nhưng cái chúng mình nhận được sẽ là kinh nghiệm.
Sự hiểu biết thông thái: Tích cực học tập, trau dồi kiến thức là liều thuốc tốt nhất tiếp thêm sự tự tin cho bạn. Chỉ khi bạn có hiểu biết về nó thì bạn mới mạnh dạn, tự tin nêu lên quan điểm của mình.
Tự tin trong giao tiếp: Tư thế, tác phong bên ngoài cũng góp phần quan trọng giúp các ấy đẩy lùi căn bệnh thiếu tự tin. Hãy đi thẳng, ngẩng cao đầu, miệng cười và luôn tạo đôi môi biết giao tiếp. Mạnh dạn chủ động bắt chuyện với người khác sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều đấy.
Hãy yêu quý bản thân mình, trân trọng những điều mình đang có, kiên cường và bản lĩnh như được tôi luyện trong bể khổ để có một ý chí vững vàng sẵn sàng đối mặt với bất kì nguy hiểm nào. Không có gì tuyệt hơn là ta vẫn còn sống, còn có một cơ hội khác được gọi là “ngày mai”. Cuộc sống này đều là phép thử, cuôc đời cho phép bạn làm bất cứ thứ gì bạn đam mê và yêu thích. Đừng sợ thất bại, vì thứ bạn nhận được sau đó còn quý giá hơn nhiều, chính là kinh nghiệm. Hãy chứng tỏ cho bạn của bạn, bố mẹ của bạn và tự hứa với lòng mình rằng bạn có thể làm tất cả những điều mà bạn đang ấp ủ. "Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn" - Eleanor Roosevelt.
Anh Tuyết