Rối loạn chú ý

I. Chú ý và rối loạn chú ý

Dù nghe có vẻ dễ hiểu, nhưng thực chất cơ chế chú ý (attention) khá khó định nghĩa bởi các quá trình của nó là tương đối đa dạng và phức tạp. Theo các cha đẻ của ngành Tâm lý học như James, Wundt, Ribot và Titchener (1994), chú ý là một cơ chế có liên quan đến ý thức, đóng vai trò chọn lọc thông tin và giữ chúng ở ý thức. Chú ý có hai quá trình cơ bản là thụ động và chủ động. Chú ý thụ động là quá trình tự nguyện, tự động nhưng nhanh chóng, giúp giảm bớt nỗ lực nhận thức trong quá trình xử lý thông tin. Chú ý chủ động sẽ có những tính chất ngược lại với quá trình thụ động, bao gồm chú ý duy trì, chú ý chọn lọc và chú ý chia sẻ. Chú ý duy trì là khả năng duy trì liên tục sự chú ý của mình vào một tín hiệu nào đó trong một khoảng thời gian dài. Một quá trình phái sinh của cơ chế này là quá trình “cảnh giác" (vigilance) - tức quá trình kích hoạt sự chú ý trong thời gian dài nhưng không tập trung vào một tín hiệu hay thông tin nào cụ thể. Chú ý chọn lọc là quá trình chọn lọc một thông tin phù hợp và chỉ tập trung vào thông tin đó để hiểu sâu hơn. Cuối cùng, chú ý chia sẻ là khả năng phân bố sự chú ý vào ít nhất hai nhiệm vụ, hay xử lý ít nhất hai thông tin cùng lúc. 

Rối loạn chú ý là thuật ngữ dùng để diễn tả những suy giảm trong quá trình chú ý. Dẫu thế, thuật ngữ này vốn bao hàm rất nhiều dạng rối loạn chú ý khác nhau, với những đặc điểm và các điều trị cũng khác nhau. Trên thực tế, suy giảm chú ý có thể diễn ra cục bộ hoặc là một phần trong hội chứng rối loạn điều hành. 

Ở khía cạnh cục bộ, chúng ta có 4 loại rối loạn chú ý phổ biến và sau đây: 

1. Rối loạn cảnh giác

Rối loạn cảnh giác có thể được quan sát trong các rối loạn tâm lý (về cảm xúc) hay tâm thần (psychosis). Trường hợp này được các chuyên gia đánh giá là rối loạn mất nhận thức hơn là chỉ đơn thuần ở cơ chế chú ý và được điều trị bằng thuốc (psychotropes, neuroleptiques, ..). Dẫu thế, có một số suy giảm sẽ chủ yếu liên quan đến tính cảnh giác và dẫn đến hai trạng thái đối lập là: tăng động (hyperactivity) và giảm động (hypoactivity). Các rối loạn này thường bắt nguồn từ những chấn thương phần não bên phải nhiều hơn bên trái, và chủ yếu là phần thuỳ trán. 

2. Rối loạn chú ý chọn lọc

Rối loạn chú ý chọn lọc có biểu hiện chính là sự dễ phân tâm, nhất là khi cá nhân phải đối mặt với những nhiệm vụ phức tạp và đồng thời. Những cá nhân gặp phải khó khăn này thường được xếp vào chung nhóm gặp khó khăn trong việc tập trung. 

3. Rối loạn mất nhận thức một nửa không gian (héminégligence)

Về bản chất, rối loạn mất nhận thức một nửa không gian là một dạng rối loạn không gian và nhận diện. Dẫu thế, rối loạn chú ý cũng đóng một vai trò nhất định với dạng rối loạn này. Triệu chứng chính của rối loạn mất nhận thức một nửa không gian là sự không nhận thức được hoặc không phản ứng với những tác nhân kích thích nằm vùng không gian ở bên đối lập với bên bán cầu não bị chấn thương. Nghĩa là, một bệnh nhân bị chấn thương ở bán cầu não trái sẽ bằng cách nào đó sẽ “lờ” đi sự xuất hiện của các tác nhân kích thích nằm ở phía bên phải anh ta. Trên thực tế, các ca rối loạn nửa không chú ý nghiêm trọng thường do chấn thương ở bán cầu não phải, thường xuyên nhất là chấn thương thùy đỉnh bên phải. Điều “thú vị” nhất của chứng rối loạn này, là bệnh nhân luôn có xu hướng không phản ứng với những kích thích nằm ở một bên nhất định, dù một số nghiên cứu (Wansard & al., 2015) cho thấy họ có nhận thức tri giác với các kích thích đó. Cho đến nay, đây vẫn là một trong các chứng rối loạn chưa được hiểu rõ. 

4. Rối loạn chú ý giám sát

Rối loạn hệ thống chú ý giám sát thường gặp ở những người gặp chấn thương ở vùng thuỳ trán, với các triệu chứng chính là dễ mất tập trung và khó điều hướng sự chú ý về một mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, các triệu chứng có thể gặp khác là chứng lặp ngôn ngữ và không gian hoặc sử dụng ngôn từ máy móc khi trả lời các câu hỏi. 

5. Rối loạn tăng động (không) đi kèm tăng động (ADHD) 

Đây là chứng rối loạn được biết đến khá nhiều ở Việt Nam. Rối loạn giảm chú ý (kết hợp) tăng động là một chứng rối loạn thần kinh phát triển có biểu hiện từ giai đoạn trẻ nhỏ. Biểu hiện chính của chứng rối loạn này là sự suy giảm về khả năng chú ý và tập trung, có thể đi kèm (hoặc không) với biểu hiện bốc đồng (impulsivity) và tăng động (hyperactivity). Đôi khi, người mắc chứng rối loạn này sẽ có những biểu hiện hung hăng, dù đây không được coi là biểu hiện chính. Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho rối loạn giảm chú ý (kết hợp) tăng động, họ tạm cho rằng chứng rối loạn này đến từ những yếu tố về gen. Một số khác cho rằng hội chứng này xuất phát từ việc tiếp xúc với đồ điện tử (như xem TV, điện thoại) từ nhỏ, nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng nào mang tính kết luận. 

Ngoài ra, các rối loạn chú ý cũng có thể là biểu hiện của các rối loạn tâm lý, tầm thần như: trầm cảm, tâm thần phân liệt (schizophrenia), động kinh,... Để có thể hiểu một cách chính xác những rối loạn và biểu hiện triệu chứng, các cá nhân phải có sự tư vấn từ các chuyên gia kinh nghiệm và uy tín

                                                                                     (Nguồn: Sưu tầm)

II. Chẩn đoán rối loạn chú ý 

Thông thường, việc chẩn đoán và đánh giá cơ chế chú ý là một phần trong quá trình đánh giá nhận thức nói chung mà chúng ta sẽ bàn ở một bài viết sau. Các bài kiểm tra thường xuyên được sử dụng để chẩn đoán cơ chế này bao gồm: 

1. Bài kiểm tra chú ý hàng ngày (Test of Everyday Attention - TEA) 

Bài kiểm tra này được sử dụng cho đối tượng từ 18-80 tuổi, dùng để đánh các các cơ chế chú ý chọn lọc, chú ý chia sẻ, chú ý duy trì và sự chuyển hướng chú ý. TEA bao gồm các bài test nhỏ như: đọc bản đồ, đếm số tầng theo thang máy, tìm biểu tượng điện thoại (nhiệm vụ đơn và nhiệm vụ kép), ghi chép xổ số. TEA có phiên bản cho trẻ em từ 6-16 tuổi (TEA-ch), thường dùng để đánh giá trẻ em mắc ADHD hoặc chấn thương não. Ngoài đánh giá các cơ chế chú ý, TEA-ch còn được dùng để đánh giá cơ chế điều hành ở đối tượng này. 

 

2. Bài kiểm tra phân loại lá bài (Card Sorting Test)

Ngoài kiểm tra khả năng chú ý, bài kiểm tra phân loại lá bài còn đánh giá trí nhớ làm việc, khả năng tư duy trừu tượng và sự linh hoạt nhận thức. Nhiệm vụ chính của bài test là phân loại các lá bài theo những tiêu chí cho sẵn như màu sắc, hình dạng, số lượng. Phiên bản phổ biến và lâu đời nhất của bài kiểm tra này là của Wisconsin (Wisconsin Card Sorting Test), thường được dùng để đánh giá các rối loạn như ADHD, chấn thương não và các rối loạn tâm lý-tâm thần khác. Một phiên bản khác cũng được sử dụng thường xuyên là Madrid Card Sorting Test, được phát triển trên phiên bản của Wisconsin nhưng đơn giản hơn. 

3. Bài kiểm tra Stroop (Word and Colors Test of Stroop)

Trên lý thuyết, bài kiểm tra về màu sắc và ngôn từ của Stroop được sử dụng để đánh giá cơ chế ức chế thông tin. Dẫu thế, một số chuyên gia cho rằng bài kiểm tra cũng có thể đánh giá cơ chế chú ý chọn lọc. Cá nhân tham gia ban đầu được yêu cầu đọc các tên màu ; thời gian để thực hiện điều này được ghi lại. Sau bước này, họ được yêu cầu xác định màu sắc của từng từ in. Thông thường, thời gian cần thiết để gọi tên màu sắc sẽ nhiều hơn thời gian đọc tên màu.

4. Các bài kiểm tra chú ý qua thính giác

Ngoài các bài kiểm tra thông qua thị giác, các chuyên gia còn phát triển các bài kiểm tra thông qua thính giác nhằm có kết quả toàn diện hoặc trong trường hợp việc kiểm tra qua thị giác là khó hoặc bất khả thi. Một trong những bài kiểm tra được sử dụng phổ biến nhất là bài kiểm tra nghe song song (Dichotic Listening Test), nhằm đánh giá khả năng chú ý chọn lọc. Cá nhân tham gia sẽ được nghe hai đoạn băng ở hai bên tai và được yêu cầu chỉ được chú ý vào nội dung của một đoạn băng và để trả lời các câu hỏi liên quan đến đoạn băng đó. 

                                                                                   (Nguồn: Sưu tầm)

III. Kết luận

Cơ chế chú ý là một trong những cơ chế quan trọng của con người, đóng vai trò rất lớn trong các hoạt động của chúng ta. Việc duy trì và đảm bảo một khả năng chú ý khoẻ mạnh là điều cần thiết ở mọi độ tuổi. Nếu gặp bất cứ khó khăn nào trong các cơ chế chú ý, cá nhân phải tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia để được can thiệp kịp thời và có những hoạt động tăng cường phù hợp.

                                                                                                                                                                                                                               Trang Nguyễn

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069