RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ (OCD)

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình quá cầu toàn và thường tập trung vào các chi tiết nhỏ và vụn vặt? Bạn có thường cảm thấy không chắc chắn và luôn muốn kiểm tra lại các công việc đã hoàn thành của mình nhiều lần trong một ngày? Bạn có bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo? Hãy cùng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục (IAPE) tìm hiểu sơ lược về chứng bệnh “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế” (Obsessive Compulsive Disorder – OCD) nhé!

    1. MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ OCD
    Thuật ngữ  “Obsessive Compulsive Disorder”  - Chứng bệnh “rối loạn ám ảnh cưỡng chế” còn được biết đến với những tên gọi khác nhau như: “rối loạn ám ảnh nghi thức”, “rối loạn ám ảnh cưỡng bức” được Nhà tâm lý học người Do Thái Sigmund Freud nghiên cứu và phát triển từ các nghiên cứu y khoa của các thế kỷ trước. Tên gọi ban đầu của chứng bệnh được Freud đặt là “zwangsneurose” - còn được gọi là “anxiety neurosis” (chứng loạn thần kinh lo âu). Tại xứ sở xương mù (Anh), thuật ngữ “zwangsneurose” có thể được hiểu như là “obsessive neurosis” (chứng loạn thần kinh ám ảnh) nhưng tại xứ sở cờ hoa (Mỹ), “zwangsneurose” lại được dịch là “compulsive neurosis” (chứng loạn thần kinh cưỡng chế).

    OCD được hiểu là một dạng rối loạn tâm thần liên quan đến suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Người bệnh luôn suy nghĩ đến những “ám ảnh” xuất hiện liên tục trong tâm trí (có thể là suy nghĩ lo âu, các nỗi sợ không mong muốn) cưỡng chế họ phải thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại thường xuyên với mong muốn giảm đi sự lo âu từ các “ám ảnh” này.


Hình 1
Người bệnh luôn suy nghĩ đến những “ám ảnh” xuất hiện liên tục trong tâm tr. Nguồn ảnh: Johnhain_pixa bay.com
Theo các báo cáo thống kê của ADDA, khoảng 2,3% dân số Mỹ mắc chứng OCD, tức là cứ 01 người trong số 40 người lớn và 01 trên 100 trẻ em thì mắc chứng bệnh này. Tại Việt Nam, số liệu thống kê về tỷ lệ người mắc bệnh OCD chưa được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông điện tử. Tuy nhiên, theo thống kê của các báo cáo, nghiên cứu, 15% tỷ lệ dân số mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần, thường gặp là các bệnh: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, tự kỷ ở trẻ em, sa sút trí tuệ ở người già… Nhưng chỉ 20% số người mắc bệnh đi khám đúng chuyên khoa. Phần nhiều người dân vẫn còn nhiều định kiến và ít quan tâm đến các bệnh tâm thần.
OCD phần nào có mối liên hệ với hội chứng “mysophobia” – Hội chứng sợ bẩn (chứng bệnh “khiết phích”) thể hiện ở dạng “Hygiene OCD” (ám ảnh bị nhiễm bẩn, lây bệnh kèm với các biểu hiện như: thường xuyên tắm rửa, kỳ cọ cơ thể hoặc rửa tay quá nhiều lần đến mức làm xướt, rách da, e ngại, né tránh tiếp xúc với mọi người vì lo sợ bị nhiễm bẩn...) hoặc cũng có thể đi kèm theo các bệnh lý liên quan đến lo âu, trầm cảm và các ám ảnh sợ xã hội. Ở từng giai đoạn tuổi, các biểu hiện và triệu chứng có thể không đồng nhất với nhau.

 

    2. CÁC LOẠI OCD ĐIỂN HÌNH
    Có nhiều dạng OCD khác nhau nhưng tại bài viết này, người viết chỉ đề cập đến gồm 4 dạng OCD chính, chủ yếu và thường gặp nhất:
1. Hygeine OCD: Ám ảnh bị nhiễm bẩn, lây bệnh.
2. Checking OCD: Ám ảnh nghi ngờ: người bệnh bị cưỡng chế bởi các suy nghĩ, ám ảnh lo sợ khiến họ phải thực hiện việc kiểm tra tất cả mọi thứ rất lần trong ngày. VD: kiểm tra khoá, bếp, thiết bị, công tắc quá nhiều lần vì sợ quên; kiểm tra lỗi một cách thái quá vì mong muốn sự hoàn hảo; kiểm tra do lo sợ bị bệnh, sợ người khác làm hại mình hoặc sợ người khác bị làm hại. Người có triệu chứng và biểu hiện này thường là bởi họ đã phải chịu các tổn thương đặc biệt nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần trong quá khứ.
3. Pure OCD (Rumination/Intrusive thoughts): Ám ảnh về suy nghĩ nhưng không thực hiện hành vi cưỡng bức: thường là những suy nghĩ đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật, liên quan đến: tình dục, bạo lực, tôn giáo mang tính chất xúc phạm và xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ khiến người bệnh đau khổ, cảm thấy tội lỗi, tự trách và tự dằn vặt bản thân vì những ám ảnh này. VD: ý nghĩ giết những người thân yêu, những suy nghĩ phỉ báng, xúc phạm người khác...
4. Hoarding OCD (Compulsive hoarding): Ám ảnh về tích trữ thể thiện qua các hành vi thường xuyên tích trữ đồ đạc, không thể bỏ được các đồ vật đã cũ hoặc hư hỏng, kèm theo hành vi mua sắm quá trớn, khiến nơi ở bừa bộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian sống của mọi người.
Ngoài ra còn có các ám ảnh về sự hoàn hảo khiến người bệnh luôn không thể quyết định được, thường xuyên do dự và chậm chạp trong việc trong các hoạt động sống, làm việc và học tập.

Hình: Một số triệu chứng của bệnh OCD. Nguồn ảnh: Kazmo Center

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra OCD vẫn chưa được khẳng định một cách chắc chắn nhưng có rất nhiều giả thuyết và suy luận về nguyên nhân gây ra chứng bệnh này như: các yếu tố về sinh học, di truyền, nhận thức, điều kiện và môi trường sống, sự mất cân bằng của chất “serotonin” (một loại chất dẫn truyền thần kinh, giúp chuyển tiếp tín hiệu từ vùng não này sang vùng não khác)

    3. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
    OCD có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng các liệu pháp trị liệu tâm lý.
Đối với phương pháp trị liệu tâm lý, liệu pháp nhận thức hành vi CBT, gồm kỹ thuật trị liệu tiếp xúc và dự phòng phản ứng ERP. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một hình thức tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ sự ảnh hưởng của suy nghĩ và cảm xúc lên hành vi, được sử dụng để điều trị các rối liên quan đến sợ hãi, nghiện, trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên đây là một hình thức điều trị ngắn hạn, nhằm giúp người bệnh kiểm soát cách tiếp nhận, giải quyết các vấn đề của mình. Dù vậy, liệu pháp này chỉ phù hợp với các bệnh nhân chỉ ở giai đoạn đầu của bệnh nhưng liệu pháp trên sẽ không thật phù hợp và hiệu quả đối với những người mắc OCD lâu năm.

    Nhà tâm lý trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu, từ đó tìm cách đối mặt với cảm giác lo âu và nỗi sợ thay vì phản ứng chạy trốn, né tránh thông thường. Liệu pháp trị liệu tiếp xúc được thực hiện bằng phương pháp “systematic desensitization” (tạm dịch: giải mẫn cảm có hệ thống) – dùng để khắc phục chứng ám ảnh của người bệnh, bao gồm các bước:
-    Thư giãn
-    Lập danh sách và phân cấp lo âu
-    Giúp người bệnh thực hành trong trí tưởng tượng của mình.

Hình: Nhà tâm lý trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu, từ đó tìm cách đối mặt với cảm giác lo âu và nỗi sợ thay vì phản ứng chạy trốn, né tránh thông thường. Nguồn ảnh: Mohamed Hassan _ pixabay.com

    Trường hợp điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc: các thuốc CTC tác động chọn lọc trên serotonin, sau đó chuyển sang các thuốc khác nếu chưa có hiệu quả sau 4 – 6 tuần.
Clomipramin (Anafranil): thuốc CTC 3 vòng, đây là thuốc đầu tiên sử dụng điều trị OCD. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị không nhanh, tối đa xuất hiện sau 5 – 12 tuần. Khô miệng, buồn ngủ và rối loạn cương dương là các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng loại thuốc này. Hoặc người bệnh có thể được kê toa các loại thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin: có hiệu quả tương đương Clomipramin, ít tác dụng phụ hơn như: Fluoxetin: 40 – 60mg/ngày; Sertralin: 50 – 200 mg/ngày, Fluvoxamin: 100 – 300 mg/ngày, Citalopram: 60 mg/ngày. Với những bệnh nhân đáp ứng điều trị kém thì kết hợp với các thuốc khác: Clonazepam, risperidon, olanzapin, lithium,….  
    Nhưng trên thực tế, tuỳ vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và kết luận điều trị phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu bệnh nặng và lâu năm, bệnh nhân thường được khuyên dùng áp dụng cả hai biện pháp trên cùng với các biện pháp tự cải thiện như hành động tích cực, thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, thiền và yoga... Người bệnh tích cực phối hợp thì sẽ đạt được kết quả khả quan và tích cực. Không chỉ vậy, sức ảnh hưởng từ những người thân yêu, gia đình, bè bạn có thể đem lại nguồn sức mạnh, động lực to lớn giúp người bệnh có thể vượt qua và tuân thủ quá trình trị liệu.
Tóm lại, OCD có thể khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, học tập và cuộc sống. Vì thế, khi phát hiện bản thân có các triệu chứng bệnh, hãy ngay lập tức tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và áp dụng các phương pháp chữa trị phù hợp nhé!

Thanh Trúc

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069