NỖI BẤT AN CỦA SINH VIÊN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Sau khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, chính phủ đã tăng cường việc cách ly, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch, đóng cửa biên giới, triển khai việc khai báo y tế, hạn chế các hoạt động "tập trung đông người", đi lại, buôn bán tại các địa phương. Điều đó không chỉ mang lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội của cả nước mà còn tác động trực tiếp đến nền giáo dục, xuất hiện tâm lý lo sợ ở các bạn học sinh, sinh viên hiện nay.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều luồng ý kiến khác nhau xoay quanh việc có nên cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học hay không. Đa số phụ huynh đều đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học đến khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, vì họ cho rằng học sinh và sinh viên là một trong những đối tượng dễ lây bệnh nhất. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc nghỉ học quá lâu làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm lý của các bạn, đặc biệt là sinh viên. Để đảm bảo cho học sinh, sinh viên được tiếp thu đầy đủ kiến thức trong thời gian dịch bệnh, nhiều trường học và địa phương đã triển khai việc học tập từ xa, thông qua mạng trực tuyến, truyền hình. Phương pháp dạy học này đã đáp ứng được nhu cầu ôn tập kiến thức của sinh viên ở mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí di chuyển. Tuy nhiên, đây có thể là một thách thức đối với cả người dạy lẫn người học. Vì xảy ra nhiều phát sinh về kỹ thuật như quá tải hệ thống, số lượng lớp không khớp với số sinh viên đăng ký, tín hiệu đường truyền không ổn định, lỗi máy chủ… chưa kể đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không được trang bị các thiết bị thông minh để tham gia lớp học. Cùng với đó, nhiều học sinh, sinh viên cũng phải vật lộn với đường truyền Internet chập chờn, khiến việc tham gia lớp học càng trở nên khó khăn.

"Nhiều học sinh, sinh viên cũng phải vật lộn với đường truyền Internet chập chờn, khiến việc tham gia lớp học càng trở nên khó khăn". Nguồn ảnh: Gustavo Fring_pexels.com

Trong một cuộc khảo sát của BEAN, khi được yêu cầu so sánh mức độ hiệu quả của việc học trực tuyến và việc học trên giảng đường, việc học tại trường đã nhận được đánh giá cao vượt bậc (67,6%). 46,2% số học sinh đang học chương trình chính khóa trực tuyến mong muốn trở lại học tại trường sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, và 35,5% mong muốn hình thức học tập kết hợp giữa học tập trên trường (chủ yếu) với học trực tuyến (bổ trợ). Chỉ có 4,6% ưu tiên cao hơn cho việc học trực tuyến. Nguyên nhân chủ yêu là do kết nối Internet không được nhanh và ổn định. Vì thế việc học tập và giảng dạy trực tuyến không đạt được hiệu quả như mong đợi và các kì kiểm tra bị trì trệ làm trễ tiến độ học tập của sinh viên. Không những thế, việc ngồi trước màn hình điện thoại và máy tính quá lâu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như thói quen sinh hoạt của sinh viên, làm giảm khả năng tư duy sáng tạo của người học.

Cuộc khảo sát lựa chọn hình thức tổ chức giảng dạy mong muốn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. (Nguồn: BEAN Survey)

Đối với các bạn sinh viên xa nhà để bước chân vào cánh cổng đại học lại càng khó khăn hơn. Dù đang trong kì nghỉ dài nhưng một số bạn sinh viên không thể trở về nhà vì nơi ở hay quê của các bạn đang là tâm dịch. Các bạn lo lắng cho sức khỏe của người thân nơi quê nhà và không thể tập trung học tập hay làm việc. Không những thế, do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 mà nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ phải cắt giảm nhân viên, thậm chí là đóng cửa hẳn vì lượng khách hàng giảm, không có doanh thu, song nhiều sinh viên mất việc làm, giảm lương. Tìm việc làm thêm thời điểm này đối với sinh viên đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp. Theo Tổng Cục thống kê, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý 1/2021 là gần 2 triệu thanh niên, chiếm khoảng16,3%. Tỷ lệ này đã tăng 0,9%, tương đương với 51.600 người so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên nói chung, lực lượng học sinh và sinh viên nói riêng. Nguy cơ thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm, tiền sinh hoạt thì không thay đổi khiến các bạn cảm thấy bất an khi không muốn trở thành “gánh nặng” của gia đình. Thế nhưng mọi sự vật, sự việc trên đời đều có hai mặt đối ngược nhau. Theo cách nghĩ chủ quan, có thể nói dịch bệnh COVID-19 đã giúp gắn kết mọi người lại với nhau, giúp nhận ra giá trị thiêng liêng của hai chữ “gia đình” mà trước đây chúng ta đã phớt lờ đi. Một bạn sinh viên Đà Lạt đã chia sẻ: “ Vì Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành tâm dịch lớn của cả nước nên dù rất muốn trở về với bố mẹ nhưng em không thể. Mỗi ngày mẹ đều gọi điện hỏi em có an toàn không, mẹ nói “Con đừng làm việc nữa để mẹ thu xếp gửi tiền lên cho con, nhớ giữ gìn sức khỏe, bố mẹ ở nhà chờ con”. Em đã nhiều lần nghe thấy tiếng nấc nhẹ của mẹ qua cuộc nói chuyện... nhưng lại không thể làm gì được. Em rất nhớ bố mẹ”. Có thể thấy, dù ta đi đến đâu thì bố mẹ vẫn luôn là người yêu thương ta vô điều kiện.  “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

Trước khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, việc rèn luyện lối sống lành mạnh, tâm lý vững vàng, nâng cao tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc là rất cần thiết. Theo các bác sĩ và nhà tâm lý học, có rất nhiều biện pháp để giảm lo lắng, giúp tinh thần thoải mái trong thời gian nghỉ dịch dành cho học sinh, sinh viên như là:

  1. Thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế như thông điệp 5K, hạn chế tối đa ra ngoài, khai báo y tế, cách ly,... Đây là thời điểm phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta. Bảo vệ sức khỏe của bản thân chính là bảo vệ sức khỏe của mọi người.
  2. Lối sống lành mạnh: Cách tốt nhất để chống lại virus là có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tăng cường tập thể dục, ăn uống khoa học và sạch sẽ, sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, và giữ tinh thần thư giãn là những biện pháp hiệu quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh là tiền đề của một tinh thần khỏe mạnh.
  3. Tận dụng thời gian: Đây là thời điểm thích hợp nhất để trau dồi giá trị của bản thân. Học thêm hoặc cải thiện khả năng ngoại ngữ, lập kế hoạch công việc mỗi tuần (ưu tiên các việc quan trọng) và thực hiện nghiêm túc theo thời gian đã định. Hiện nay, nhiều trang web giáo dục nổi tiếng đang mở miễn phí những khóa học chất lượng cao từ những đại học hàng đầu thế giới. Việc nhận được nhiều chứng chỉ kĩ năng từ các khóa học này có thể giúp bạn khẳng định giá trị của bản thân trước các nhà tuyển dụng tương lai.
  4. Cập nhật kiến thức nhưng đừng làm bản thân bị quá tải thông tin: Thông tin không chính xác về dịch bệnh hiện đang có mặt khắp nơi trên các trang mạng xã hội. Cách tốt nhất để hạn chế khủng hoảng từ nguồn tin không chính xác là chỉ cập nhật tin tức từ những nguồn chọn lọc và đáng tin cậy, như Bộ Y tế, WHO hay CDC. Đừng lan truyền những thông tin sai sự thật làm xôn xao dư luận, tự hù mình dọa người.
  5. Chia sẻ nhiều hơn: Tham gia các hoạt động gây quỹ từ thiện, giúp đỡ những đồng bào đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay gây quỹ tiêm ngừa vaccine COVID-19, để cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội. Cho đi chính là cách để nhận lại.

Thông điệp 5K của Bộ Y tế

Dịch bệnh COVID-19 mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", sự chỉ đạo quyết liệt, khoa học, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân tộc, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ắt sẽ thành công. Hãy cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, phát huy tình đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân ta, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Anh Tuyết

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069