Người có rối loạn phát triển (RLPT) và việc làm thế nào để chẩn đoán, đánh giá, can thiệp và giáo dục hiệu quả cho người có RLPT là những “từ khóa” chuyên môn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian gần đây. Việc ứng dụng khoa học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội đã và đang là những đóng góp quan trọng của nhiều chuyên ngành khoa học hiện đại. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xuất hiện nhiều Hội thảo quốc gia và quốc tế, quy tụ nhiều nhà khoa học với các báo cáo hàm lượng trí tuệ cao, hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tâm lý, giáo dục cũng như nhiều chuyên ngành khoa học khác dành cho người có rối loạn phát triển.
Vừa qua, ngày 20 tháng 4 năm 2024 tại Tây Hồ, Thành phố Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc Gia về người có Rối loạn phát triển lần thứ 4 "THÚC ĐẨY PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG ĐÁNH GIÁ, CAM THIỆP VÀ GIÁO DỤC NGƯỜI CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN".
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó trẻ rối loạn phát triển chiếm tỷ lệ lớn nhất. Trẻ rối loạn phát triển thường gặp phải rất nhiều khó khăn trong học tập và phát triển. Cùng với việc triển khai các hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật và việc tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật; trẻ khuyết tật, trẻ rối loạn phát triển tại Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận giáo dục.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm đóng góp cho xã hội về lĩnh vực Tâm lý học và Giáo dục học, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tổ chức các Hội thảo Quốc tế và Hội thảo Quốc gia, quy tụ nhiều diễn giả, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đánh giá, can thiệp, trị liệu và giáo dục cho người có RLPT. Cho đến nay, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội thảo Quốc gia về rối loạn phát triển và dự tính định kỳ 2 năm tổ chức hội thảo một lần. 3 hội thảo khoa học về lĩnh vực này đã quy tụ nhiều báo cáo với chất lượng khoa học ngày càng cao cả về lý luận và thực tiễn trong việc đánh giá, can thiệp, trị liệu, giáo dục cho người có RLPT; từng bước góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong lĩnh vực này- lĩnh vực vốn được xem là rất cần được quan tâm trong xã hội hiện đại.
Trao đổi với GS. TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, ông cho biết: Hội thảo về chủ đề người có RLPT là một trong những hội thảo thành công nhất của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Cứ 2 năm một lần, Hội thảo về lĩnh vực khoa học này lại được tổ chức nhằm bàn luận và chia sẻ ở những góc cạnh khác nhau. Mỗi khía cạnh là một vấn đề nóng đang được sự quan tâm của các nhà chuyên môn, những người làm thực hành can thiệp trị liệu và hoạt động giáo dục cho người có RLPT tại Việt Nam.
[...]
Tiếp nối những thành công của 3 lần Hội thảo trước đó, thực hiện chỉ đạo của Hội KHTL-GDVN, ngày 20 tháng 4 năm 2024, một Hội thảo khoa học với quy mô lớn tiếp tục được diễn ra, đáp ứng mong đợi của xã hội, các gia đình có người RLPT và các nhà chuyên môn. Chủ đề Hội thảo lần thứ 4 là: “Thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển”.
PGS. TS Trần Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Hội KHTL-GDVN, Đồng Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ 4, cho biết: Hội thảo lần này kế thừa các thành tựu của 3 hội thảo trước đồng thời cũng có thêm nhiều điểm mới; quy tụ được nhiều nhà chuyên môn, các chuyên gia đa ngành trong lĩnh vực chẩn đoán, đánh giá, can thiệp và giáo dục người RLPT. Các báo cáo chuyên môn trong hội thảo cũng thể hiện rõ tính đa ngành, bao gồm như: báo cáo của chuyên gia giáo dục đặc biệt, chuyên gia Tâm lý lâm sàng, Bác sĩ, chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia công tác xã hội, … Hội thảo còn có một số báo cáo khoa học của chuyên gia đến từ các quốc gia như: Hà Lan, Nhật và Malaysia. Những báo cáo này chia sẻ nhiều mô hình tiếp cận đa ngành, liên ngành và bài học kinh nghiệm trong phối hợp chẩn đoán, đánh giá, can thiệp và giáo dục dành cho người RLPT. Và cũng tại Hội thảo còn có nhiều báo cáo chia sẻ các cách can thiệp và phương pháp giáo dục chuyên sâu dành cho người RLPT.
Hội thảo mang lại những góc nhìn mới, đánh giá tính hiệu quả, độ tin cậy trong phối hợp liên ngành, mở ra những định hướng mới trong lĩnh vực này. Mục tiêu của hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ các nhà khoa học, các nhà thực hành đa ngành trong nước và thế giới nhằm trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những mô hình và các phương pháp đánh giá, can thiệp liên ngành có bằng chứng, đảm bảo đạo đức nghề dành cho người có rối loạn phát triển.
Hội thảo lần này tập trung vào:
Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về các mô hình đánh giá, can thiệp liên ngành dành cho người có rối loạn phát triển;
Vấn đề nâng cao chất lượng các mô hình, các hoạt động đánh giá và can thiệp liên ngành dành cho người có rối loạn phát triển;
Vấn đề đạo đức nghề trong các mô hình đánh giá, can thiệp liên ngành dành cho người có rối loạn phát triển;
Vấn đề tổ chức và nhiều vấn đề khác trong vận hành các mô hình đánh giá, can thiệp liên ngành dành cho người có rối loạn phát triển.
Chúng ta hy vọng Hội thảo lần này sẽ thúc đẩy và mở ra cơ hội hợp tác liên ngành nhằm nâng cao hơn nữa, tạo đột phá trong việc đảm bảo chất lượng chẩn đoán, đánh giá, can thiệp và giáo dục dành cho người RLPT.