HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH HỘI KHOA HỌC TÂM LÝ - GIÁO DỤC VIỆT NAM KỲ 3, KHOÁ VII (2022 - 2027) MỞ RỘNG

Chiều ngày 22/11/2024, tại Hội trường tầng 2, Nhà Khách Bộ Quốc phòng (số 266 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), Hội nghị Ban Chấp hành Kỳ 3, Khóa VII (mở rộng) của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (Hội KHTL-GDVN) đã được tổ chức. Mục tiêu chính của hội nghị là tổng kết, đánh giá các hoạt động trong năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2025.


Hội nghị được chủ trì bởi PGS.TS. Trần Kiều - Chủ tịch Hội KHTL-GDVN; GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Kiều đã nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Hội trong năm 2024 và đề xuất các định hướng chiến lược trong năm tới. Sau đó, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú thay mặt Ban Thường vụ Hội trình bày dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.


Tổng kết hoạt động năm 2024, báo cáo đã nêu bật các kết quả quan trọng:
Kiện toàn tổ chức và ban hành quy chế hoạt động: ra mắt Ban Tâm lý học và Giáo dục học ứng dụng; thành lập Mạng lưới các nhà Tâm lý học đường Việt Nam; kiện toàn Ban Đối ngoại và ra mắt Tạp chí Tâm lý - Giáo dục.

Hoạt động nghiên cứu và hội thảo: tổ chức thành công các hội thảo khoa học; Hội thảo "Ứng dụng phần mềm vào quản lý, lập kế hoạch & báo cáo kết quả can thiệp Trẻ có Rối loạn phát triển" (10/2024); Hội thảo quốc gia lần thứ 4 về chăm sóc trẻ có rối loạn phát triển (4/2024); Hội thảo về "Đãi ngộ, cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo" (2024).


Tăng cường giám sát: ập 5 đoàn kiểm tra nhằm hỗ trợ hoạt động của các Viện, Trung tâm trực thuộc Hội.
Hợp tác quốc tế: duy trì kết nối chặt chẽ với Hiệp hội Tâm lý học Thế giới (IUPsyS) và Liên minh Tâm lý học Châu Á - Thái Bình Dương (APPA); tăng cường hợp tác với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Tham gia tư vấn và phản biện: đóng góp ý kiến vào các hội thảo lớn như đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, tư vấn phản biện cho các vấn đề giáo dục, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; đề xuất không yêu cầu Bộ GD-ĐT viết thêm một bộ sách giáo khoa, được Quốc hội chấp thuận.


Hội nghị đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 như sau:
Đổi mới và củng cố tổ chức: chấn chỉnh, tăng cường hoạt động theo chiều sâu, đặc biệt trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục; giám sát chặt chẽ hoạt động của các Viện, Trung tâm trực thuộc; đẩy mạnh liên kết với các cơ quan nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tăng cường hợp tác và sáng tạo: các Hội Tỉnh/Thành cần phát triển nhiều hình thức hoạt động mới, gắn kết với cộng đồng và hỗ trợ sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Nghiên cứu và hội thảo: Tiếp tục mở rộng các đề tài nghiên cứu và tổ chức hội thảo trọng điểm về đánh giá, phản biện Chương trình Giáo dục 2018.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục, Ban Thường vụ đã trao 8 cờ thi đua và 13 bằng khen cho các tập thể xuất sắc.
Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Kỳ 4, Khóa VII (mở rộng) và hội thảo của năm 2025 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Hội nghị đã thành công rực rỡ, nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu. Các nhiệm vụ và phương hướng cụ thể được đưa ra hứa hẹn sẽ giúp Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh trong năm 2025.

Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành kỳ 3, Khóa VII (mở rộng) ngày 22 tháng 11 năm 2024:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069