Ngày 02 tháng 04 năm 2023, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã tổ chức buổi phản biện đề cương “Cẩm nang thành lập và vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường dành cho vị thành niên tại Việt Nam" với hội đồng phản biện bao gồm:
GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú - Chủ tịch Hội đồng
NCS. ThS. Lê Thế Hiển - Thư ký Hội đồng
PGS. TS. Trần Thành Nam - Ủy viên
PGS. TS. Nguyễn Văn Thọ - Ủy viên
TS. Nguyễn Thị Minh - Ủy viên
NCS. ThS. Phan Thị Cẩm Giang - Ủy viên
Tại Việt Nam, 15 - 30% vị thành niên (10 - 19 tuổi) gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Đây là một con số đáng báo động, cao gấp khoảng 1.5 lần tỉ lệ gặp vấn đề sức khỏe tinh thần của vị thành niên trên toàn thế giới (10 - 20%). Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho vị thành niên hiện trở nên vô cùng cấp bách; và từ đó, việc có phòng tham vấn tâm lý học đường tại các trường với hoạt động hiệu quả trở thành một giải pháp đáp ứng cả yêu cầu thực tiễn hiện tại và hướng tới mục tiêu trường học hạnh phúc lâu dài.
“Cẩm nang thành lập và vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường dành cho vị thành niên tại Việt Nam” được biên soạn với mục tiêu trở thành một sản phẩm hướng dẫn thành lập và vận hành phòng tham vấn tâm lý ở các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. Tại Việt Nam, hiện chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn cụ thể điều này, vì vậy chúng tôi rất mong văn bản này trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả những ai đã, đang và sẽ tham gia vào quá trình thành lập và vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường.
Để đảm bảo về mặt lý luận Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã tổ chức buổi phản biện đề cương, với sự tham gia phản biện, góp ý của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành. Được biết đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ghi nhận, góp ý của hội đồng đánh giá chuyên môn về cẩm nang, chỉnh sửa và đảm bảo chất lượng của cẩm nang được phù hợp với yêu cầu khoa học lẫn yêu cầu ứng dụng thực tiễn.
Hiểu được mục tiêu đó, quý Thầy Cô hội đồng đã thể hiện sự tin tưởng và mong chờ về thành phẩm, đồng thời đưa ra những lời góp ý vô cùng quan trọng. Cụ thể, quý thầy cô đã góp ý về sự ứng dụng công nghệ trong bối cảnh hiện nay; góp ý thêm về những nguồn tài liệu, thông tin đáng tin cậy mà nhóm tác giả có thể tham khảo; góp ý chỉnh sửa bố cục để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn; định hướng về các hành động tiếp theo trong tương lai và nhiều vấn đề khác. Đây là những góp ý quý báu để nhóm tác giả có thể hoàn thiện hơn về nội dung, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần dành cho học sinh, sinh viên.
Thảo Hiền - IAPE