HỘI CHỨNG PETER PAN – NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TỪ CHỐI TRƯỞNG THÀNH

Bạn đã từng nghe những lời biện minh đại loại như “mẹ tôi nói vậy nên tôi chỉ đang nghe lời mẹ, và bạn cũng không được làm khác tôi”.

Bạn đã từng gặp những người mà họ luôn coi mình là nhất, không quan tâm mọi thứ xung quanh dù thực tế chưa hẳn là vậy, và họ luôn thoái thác trách nhiệm, né tránh chỉ trích, sai lầm của bản thân.

Những tình huống trên chỉ ra rằng, rất có thể bạn đã gặp phải những “đứa trẻ sống lâu năm”, gọi là những Peter Pan. Vậy Peter Pan là gì? Liệu Peter có phải là một loại bệnh? Nếu là bệnh thì có cách nào điều trị hay không? 

1. Tìm hiểu về hội chứng Peter Pan

Ảnh: Hội chứng Peter Pan

Peter Pan là một nhân vật hư cấu của nhà văn James Matthew Barrie,  mang hình hài của một thiếu niên 12 tuổi biết bay, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống, chính vì thế cậu luôn tìm cách chối bỏ "sự trưởng thành" và mãi mãi không chịu lớn lên. 

Hình ảnh nhân vật trên là tấm gương phản chiếu cho những bạn trẻ đã đến tuổi trưởng thành nhưng không chấp nhận lớn lên và chịu trách nhiệm. Khái niệm “Hội chứng Peter Pan” lần đầu tiên được định nghĩa vào năm 1983 bởi Dan Kiley và được sử dụng như một hội chứng tâm lý chẩn đoán dựa trên tính cách và hành vi mặc dù vẫn chưa được xem là một bệnh về tâm lý. Hiểu một cách đơn giản, hội chứng Peter Pan ám chỉ những người trưởng thành về sinh lý và tuổi tác nhưng không muốn trưởng thành về nhận thức và suy nghĩ. 

Hội chứng này có ở cả nam và nữ, tuy nhiên thường sẽ nghiên về nam giới nhiều hơn do áp lực cuộc sống cũng như trách nhiệm của nam giới vẫn được mặc định là nặng hơn nữ giới.

2.  Dấu hiệu nhận biết 

a. Phụ thuộc vào gia đình

Dấu hiệu đầu tiên và dễ thấy nhất chính là phụ thuộc vào cha mẹ một cách cực đoan đến mức nếu không có cha mẹ, họ sẽ khó có thể làm được việc gì. Humbelina Robles Ortega, Giáo sư khoa nhân cách, đánh giá và điều trị tâm lý thuộc Đại học Granada (Tây Ban Nha) cảnh báo rằng: “Hội chứng này xuất hiện ở những người sống phụ thuộc, thường được che chở, bao bọc quá mức cần thiết của gia đình, dẫn tới việc không thể phát triển những kỹ năng sống bình thường. Họ cảm thấy thế giới người lớn có vấn đề và vì thế không muốn trưởng thành”.

Ví dụ như cần cha mẹ nhắc nhở mới có thể làm việc đúng giờ; trong cãi vã luôn lấy cha mẹ ra để giải thích, biện minh cho hành vi của mình,...

Nguồn: Internet

b. Thiếu chín chắn trong vấn đề tình cảm

Thứ hai, một Peter Pan thường thiếu chín chắn trong tình cảm, đặc biệt là tình yêu nam nữ. Họ thường có xu hướng hứng thú với một mối quan hệ trong thời gian ngắn và khi có thể, họ luôn lảng tránh việc ràng buộc, chịu trách nhiệm như về ra mắt gia đình, kết hôn, có con. Bởi họ cho rằng, tình cảm chỉ là chỗ dựa tạm thời mà thôi.

Thêm vào đó, họ thường sẽ không chấp nhận lỗi của việc kết thúc một mối quan hệ là do mình mà luôn tìm cách “dìm hàng” người khác, nói xấu sau lưng dù nguyên nhân là gì. 

c. Luôn lảng tránh trách nhiệm trong công việc

Thứ ba, người không chịu trưởng thành sẽ không có định hướng và luôn có thái độ hời hợt trong công việc. Họ luôn có đủ lý do chính đáng để trì trệ, vắng mặt và  không chịu trách nhiệm. Họ thường có xu hướng làm việc theo ngẫu hứng và không quan tâm đến tập thể, dễ tạo sự bất hòa giữa các đồng nghiệp và mâu thuẫn với cấp trên. 

d. Phản ứng gay gắt với những khó khăn

Biểu hiện thứ tư của hội chứng này là có phản ứng tiêu cực đối với stress về cả cảm xúc và hành vi. Khi gặp các vấn đề khó khăn, họ thường tìm mọi cách để né tránh thực tế, làm xao nhãng stress. Họ mượn game, rượu bia, các cuộc tụ tập,...trong thời gian dài để quên đi hiện tại mà không tập trung vào tìm nguyên nhân, cách giải quyết vấn đề. Phản ứng về mặt cảm xúc của họ như phàn nàn, hơn thua, dễ cáu gắt, than thân trách phận phần nào cho chúng ta thấy được sự bất lực và bị động khi khônh thể tự giải quyết được vấn đề.

Nguồn: Internet

e. Có nhóm bạn giống mình

Biểu hiện cuối cùng, Peter Pan thường có một nhóm bạn giống họ. Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào’. Nguyên nhân họ thường thích kết giao với những người giống mình là vì họ cần được chấp nhận “tính trẻ con” trong họ, và giảm tối thiểu sự chỉ trích, phàn nàn. 

Tóm lại, nguyên nhân chính dẫn đến sự tồn tại của Hội chứng Peter Pan là vì ngay từ  đầu “phải có ai đó đồng ý với việc Peter Pan không lớn thì cậu ta mới có thể tồn tại được” - Humbelina Robles.

Như đã nói, Hội chứng Peter Pan chưa được công nhận là một loại bênh tâm lý, nhưng thực tế nó ảnh hưởng rất nhiều đến cá nhân người mắc và xã hội. Để điều trị dứt điểm hội chứng này, quan trọng nhất là bản thân Peter Pan phải nhận thức được vấn đề của mình và nhờ đến sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý để khám phá ra nguyên nhân thực sự đằng sau cũng như được định hướng thay đổi. Tất nhiên không phải một hai ngày mà là cả một quá trình để thay đổi tư duy, nhận thức của một con người. Vì vậy, tinh thần quyết tâm cao và sự kiên nhẫn của cả người mắc lẫn mọi người xung quanh phải được ưu tiên trước nhất.

Nguồn tham khảo: https://vietcetera.com/vn/hoi-chung-peter-pan-the-nao-la-con-nit-trong-hinh-hai-nguoi-lon

 

 

Duyên Kiều 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069