"ĐỊNH KIẾN" VÀ "PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ" TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY

“Cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố, mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người”.

Đâu đó trong chúng ta, có người đã và đang phải đối mặt với những định kiến gay gắt của xã hội và đôi khi chính bản thân họ là người đã góp phần tạo ra những định kiến ấy. Ví dụ, trong xã hội Á Đông truyền thống, vai trò, vị trí của người phụ nữ luôn bị đánh giá thấp, họ luôn đối mặt với câu nói “tam tòng tứ đức”, “trọng nam khinh nữ”, phụ nữ thời xưa chỉ có thể ở nhà lo chuyện bếp núc và trông con, không được phép đi học hay tiên phong đánh trận. Từ những định kiến tiêu cực đó, phân biệt đối xử xuất hiện dưới nhiều hình thức và làm tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần của người phụ nữ. Cho đến xã hội ngày nay thì hai cụm từ “định kiến”“phân biệt đối xử” đã không còn quá xa lạ với chúng ta, đặc biệt là giới trẻ - thế hệ luôn muốn chứng tỏ bản lĩnh trong thời kỳ hiện đại hóa.

1. Liệu chúng ta đã thực sự hiểu về “định kiến” và “phân biệt đối xử”?

Mặc dù có sự khác biệt trong các định nghĩa về định kiến dưới góc nhìn của các nhà xã hội học, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng định kiến có liên quan đến những nếp suy nghĩ, quan điểm thường không thuận lợi, đánh giá chủ quan đối với một cá nhân hoặc một nhóm người về giới tính, quan hệ xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, quốc tịch, hình dáng bên ngoài hay là đặc điểm cá nhân khác. Còn phân biệt đối xử, đây là một hành vi không công bằng nhắm vào một cá nhân hoặc một nhóm người cho thấy thái độ của định kiến tiêu cực, sự thiếu tôn trọng, đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người. Khi định kiến xuất hiện, quá trình khuôn mẫu hóa, phân biệt đối xử và bạo lực có thể sẽ xuất hiện như là một phần kết quả tất yếu.

Trong nhiều trường hợp, định kiến xuất phát từ các khuôn mẫu. Mỗi khuôn mẫu là một nhận định về một nhóm người dựa trên những trải niệm hay niềm tin có sẵn từ trước. Tuy nhiên, khuôn mẫu có thể là những điều không còn đúng đắn và hợp lí cho mọi thời đại  như  “trứng mà đòi khôn hơn vịt” và cũng có thể là tích cực nhưng rập khuôn. Điển hình như “phụ nữ thường ấm áp và chu đáo hơn đàn ông”. Sau đây là một số dạng định kiến thường gặp nhất bao gồm:

  • Phân biệt chủng tộc (Racism)

  • Phân biệt đối xử giới tính (Sexism)

  • Phân biệt giai cấp (Classicism)

  • Hội chứng ghê sợ đồng tính (Homophobia)

  • Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism)

  • Định kiến tôn giáo (Religious prejudice)

  • Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác (Ageism)

  • Chứng bài ngoại (Xenophobia)

  • Định kiến và khuôn mẫu (Prejudice and Stereotyping)

"Trong nhiều trường hợp, định kiến xuất phát từ các khuôn mẫu". Nguồn ảnh: Johnhain_pixabay.com

2. “Định kiến” và “Phân biệt đối xử” mang lại ảnh hưởng như thế nào?

Có một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận rằng, ngày nay cho dù xã hội phát triển, tiến bộ nhưng chúng ta đều “vô tình” có những ứng xử mang tính định kiến mà chính mình cũng không hề ý thức được, tùy vào mức độ ít hay nhiều mà dẫn đến các hậu quả ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, như: trầm cảm, tự kỷ, bạo lực hành vi hay ngôn ngữ, hoặc thậm chí là tự sát. Chẳng hạn như khi nói đến nghề người mẫu, hay nghệ sĩ, trong đầu người ta ít nhiều cũng gợi lên sự thiếu đoan trang (nhất là nữ giới). Cùng với đó, trong một cuộc bầu cử lãnh đạo của đơn vị, tập đoàn, hay nhà nước, cho dù hai bên đều có nhiều thành tích vượt trội, hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn của một nhà lãnh đạo tài giỏi nhưng mọi người vẫn sẽ nghiêng về phía “phái mạnh” nhiều hơn, vì trong đầu họ xuất hiện tư tưởng: lãnh đạo là phải mạnh mẽ, quyết đoán mà phụ nữ lại dễ mềm lòng, hành động cảm tính.

Hơn thế nữa, tại các nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, có một định kiến đã hình thành từ rất lâu, đó là trẻ em không được phép nhận xét về ý kiến của người lớn, hay tham gia nêu ý kiến về các vấn đề trong gia đình. Đã bao giờ bạn được một người quen tặng cho bạn món ăn mà bạn không thích hoặc không thể ăn nhưng bố mẹ vẫn bảo bạn nhận lấy và cảm ơn họ chưa? Đã bao giờ bạn nhìn thấy một bà cụ ôm đứa bé ngồi bên lề đường xin ăn nhưng khi bạn nói mẹ cho họ ít tiền thì mẹ bạn lại bảo: “Con không nhớ trên bản tin tối qua à? Những người đó giả bộ để lừa tiền mình đấy!”?

Đôi lúc những suy nghĩ “ngây thơ” của trẻ bị bác bỏ và từ đó hình thành một nếp sống “thờ ơ”, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Để giúp người lớn hiểu thêm về suy nghĩ của trẻ nhỏ, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã thực hiện một cuộc khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020 với sự tham gia của 1.692 trẻ em Việt Nam từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh/thành phố thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cuộc khảo sát cho thấy có tới 88.3% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng mình có ít cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Một bạn trẻ 16 tuổi chia sẻ: "Ở địa phương thì người lớn không nghe theo ý kiến của trẻ em và nói trẻ con không biết gì… Em ngại bày tỏ nhất ở khu dân cư vì họ bảo mình nói linh tinh, họ bảo trẻ con". Qua cuộc khảo sát ta thấy rằng việc thực hiện quyền tham gia, tôn trọng ý kiến của các bạn trẻ còn chưa được hiệu quả. Chính vì vậy mà dần dần trẻ em Việt Nam – mầm non tương lai của đất nước, trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, ngại bày tỏ. Về lâu dài, việc này có thể gây cản trở đến sự phát triển và tính sáng tạo ở trẻ.

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực do định kiến gây ra thì phân biệt đối xử cũng kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với thể xác lẫn tinh thần của cộng đồng. Một công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong ngày 25 tháng 5 năm 2020 sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin đã có những hành động mang tính bạo lực và ông Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Từ đó, một số cuộc biểu tình lên tiếng về nạn phân biệt chủng tộc đã biến thành bạo động khi người biểu tình chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng súng hơi cay và đạn cao su để lập lại trật tự.

"Chúng ta đều “vô tình” có những ứng xử mang tính định kiến mà chính mình cũng không hề ý thức được". Nguồn ảnh: Arnolduspt _ pixabay.com

Từ những hệ lụy nêu trên, chúng ta buộc phải nhìn nhận lại tư tưởng và hành vi của bản thân. Có rất nhiều nguyên nhân khiến định kiến hình thành và dẫn đến phân biệt đối xử. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là cách nhìn nhận sai lệch của mọi người từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trước hết định kiến được quy định bởi môi trường gia đình và đặc biệt là khuôn mẫu do cha mẹ tạo ra, vì đứa trẻ có xu hướng lặp lại những gì mà cha mẹ và người lớn đã dạy dỗ nó. Từ đó, đứa trẻ học cách ứng xử xã hội bằng cách quan sát người khác và bắt chước họ. Bên cạnh đó, những chuẩn mực nhóm tạo ra một tập hợp những thái độ bất lợi đối với bên ngoài và nó có thể ảnh hưởng xấu tới những thành viên biểu lộ thái độ tích cực đối với thành viên thuộc nhóm khác nên cá nhân trong nhóm khó thay đổi chúng. Thế nên ta chỉ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của hậu quả chứ không bao giờ có thể loại bỏ triệt để định kiến trong xã hội.

Ngày nay, nhà nước đã ban hành những bộ luật quy định về bình đẳng và cấm phân biệt đối xử như là Luật chống phân biệt đối xử, Bộ luật Lao động 2019, Luật Bình đẳng giới,….Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra nhiều cách khác nhau giúp làm giảm thiểu định kiến.

  1. Giảm kỳ thị bản thân: Một số người có định kiến chống lại bản thân mình khi họ có niềm tin tiêu cực đối với chính mình. Nếu đồng ý với suy nghĩ ấy, bạn có thể nảy sinh hành vi tiêu cực (tự phân biệt đối xử).

  2. Đối mặt với định kiến của người khác: Đôi khi chúng ta cảm thấy sợ hãi khi bị người khác phân biệt đối xử và có xu hướng tránh xa khỏi thế giới xung quanh nhưng lại tự tạo áp lực cho bản thân. Khi nhận thấy bạn đang bị kỳ thị và phân biệt đối xử từ những người lạ mặt, hãy tìm đến sự an ủi và giúp đỡ từ người thân và bạn bè để nhận thêm nguồn sức mạnh và tránh tác động xấu đến sức khỏe tinh thần.

  3. Tăng cường tiếp xúc với các thành viên trong các nhóm xã hội: Bạn có thể tham gia các nhóm phù hợp với mình (chẳng hạn như nhóm Phụ nữ, nhóm LGBTQ+, nhóm người Mỹ gốc Phi, nhóm Tôn giáo, v.v…). Điều này giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc (hạn chế nóng giận hoặc trầm cảm và có khả năng kiểm soát tốt) khi đối mặt với định kiến.

 "Chúng ta buộc phải nhìn nhận lại tư tưởng và hành vi của bản thân". Nguồn ảnh: Tumisu _ pixabay.com

Tóm lại, từ những biện pháp nêu trên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát suy nghĩ của bản thân, tránh những tư duy tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần của xã hội, phòng chống hành vi “phân biệt đối xử” và bạo lực. Như câu nói của nữ diễn viên nổi tiếng Sandra Bullock, “Không dân tộc, không tôn giáo, không giai cấp, không màu da, không gì cả, không định hướng giới tính nào khiến ta tốt đẹp hơn bất cứ ai khác. Chúng ta đều xứng đáng được yêu thương”.

Anh Tuyết

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069