"CÓ NÊN TÁCH HỌC SINH NAM/NỮ NGOÀI RIÊNG" - THS.BS. PHẠM VĂN GIÀO - VIỆN TRƯỞNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO LAO ĐỘNG

TPHCM - Một yêu cầu tại Trường THPT Dương Văn Thì (TPHCM) đang được giới trẻ chia sẻ kèm với sự bức xúc vì cho rằng đã kỳ thị học sinh "có vấn đề về giới tính".Yêu cầu "lạ" của hiệu trưởng 

Ngày 1.11, một số diễn đàn chia sẻ nội dung tin nhắn được cho là của hiệu trưởng một trường THPT gửi tới giáo viên trong trường, trong đó có những nội dung gây tranh cãi. 

Trong tin nhắn gửi giáo viên chủ nhiệm các lớp, một trong những nội dung được lưu ý: "Không bố trí nam, nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em có vấn đề giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng". Với lưu ý nói trên, nhiều học sinh đưa ra ý kiến cho rằng hiệu trưởng có kỳ thị giới tính…

                                              

Ảnh: Tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TPHCM) xác nhận đây là tin nhắn trao đổi công việc để lưu ý giáo viên chủ nhiệm có những điều chỉnh giúp học trò có một môi trường sinh hoạt lành mạnh và an toàn.

Theo lý giải thì mấy tuần rồi, xuất hiện tình trạng một vài học sinh có những mối quan hệ trên mức tình bạn, cư xử chưa đúng đắn, hiệu trưởng cảm thấy cần phải định hướng cách cư xử của các con sao cho không tổn hại đến sức khoẻ các con. Trong khi đó, bàn ghế trong lớp còn để trống nhưng các con ngồi chật chội nên hiệu trưởng nhắc nhở, mong thầy cô bố trí sao cho con ngồi thoải mái nhất. Lãnh đạo nhà trường cho biết do học sinh chưa hiểu đúng, nên lại nghĩ là kỳ thị giới tính. 

Có nên tách học sinh nam/nữ ngồi riêng?

Chia sẻ với Báo Lao Động, ThS.BS. Phạm Văn Giào – Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho rằng, nội dung tin nhắn trên có thể gây ra hiểu lầm đối với những người thực hiện là giáo viên chủ nhiệm vì đây là một trong những nội dung mà hiệu trưởng quán triệt, chỉ đạo.

Nội dung trên đi ngược lại với tinh thần “giáo dục giới tính” cho học sinh, vô tình tạo nên những suy nghĩ không tốt trong học sinh. Nghiêm trọng hơn là một số người cho rằng đây là xúc phạm về giới, kỳ thị giới tính đối với các bạn thuộc cộng đồng LGBT.

Theo ông Giào, việc sắp xếp hay là hạn chế sắp xếp học sinh nam ngồi với học sinh nữ ở trường THPT vì lý do ngăn cấm tình yêu tuổi học trò là chưa phù hợp. Chúng ta phải hiểu sự phát triển tâm sinh lý trong giai đoạn này vô cùng phức tạp, càng cấm giới trẻ sẽ tạo ra cơ chế phản kháng và đối đầu. Việc ngăn cấm với hình thức này lại càng tạo nên hiện tượng tiêu cực trong vấn đề phát triển giới tính của học sinh.

“Có nhiều ý kiến cho rằng, học sinh không nên “yêu” ở giai đoạn này vì có nhiều ảnh hưởng đến học tập và đời sống tinh thần. Vì thế bằng cách chúng ta đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, trong đó không bố trí ngồi cùng bàn, tuy nhiên ngoài giờ học, liệu rằng nhà trường và phụ huynh có ngăn cấm và quản lý được hay không?”, ông Giào thẳng thắn đặt vấn đề.

Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục cho rằng, chúng ta đang hướng sự giáo dục đến thế hệ trẻ trở thành “công dân toàn cầu” để đáp ứng được sự thay đổi và phát triển của đất nước, hình thành môi trường “giáo dục hạnh phúc”. Trong khi đó việc ngăn cấm “nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề giới tính” vô hình trung đã ngăn cản trẻ hiểu đúng và phát triển giới tính phù hợp.

                                          

Phân tích thực tế, ThS.BS. Phạm Văn Giào chỉ thêm rằng, thế hệ "gen Z" hiện nay phát triển tâm sinh lý vô cùng phức tạp, các bạn có dấu hiệu “dậy thì” sớm do được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, cộng thêm thiếu kiến thức về giới và được tiếp cận quá sớm với các hình ảnh, video không lành mạnh.

Ngày nay, xã hội phát triển với tốc độ không ngừng, việc tiếp xúc với Internet, công nghệ hiện đại đã làm cho các thành viên trong gia đình ít có thời gian quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Nhiều bậc phụ huynh vì kinh tế gia đình mà không có thời gian tâm sự, lắng nghe, thấu hiểu con mình, con cái cũng chạy theo với sự thay đổi phát triển của xã hội.

Chính vì vậy, áp lực cuộc sống, áp lực gia đình, áp lực học tập,… dần dần đẩy con cái ra xa cha mẹ. Từ đó, nhận thức tiêu cực của giới trẻ hiện nay không được phát hiện để điều chỉnh kịp thời nên càng ngày càng có điều kiện để phát triển và bộc lộ những hành động tiêu cực.

Chỉ ra giải pháp, vị chuyên gia cho rằng chúng ta cần phải thực hiện lồng ghép chương trình giáo dục giới tính từ cấp tiểu học, đưa nhiều chương trình ngoại khóa, bồi dưỡng kiến thức về giới do những nhà chuyên môn sâu chia sẻ cho các bạn học sinh phổ thông. Thông qua những chương trình giáo dục ngoại khóa, xây dựng kế hoạch phối hợp với nhà tham vấn, các tổ chức đơn vị triển khai và vận hành chương trình tham vấn dành cho học sinh phổ thông.

Nguồn: Huyên Nguyễn (2022), "Yêu cầu lạ không bố trí nam nữ ngồi chung, bị bức xúc vì kỳ thị giới tính", Báo Lao Động https://laodong.vn/chinh-sach-giao-duc/yeu-cau-la-khong-bo-tri-nam-nu-ngoi-chung-bi-buc-xuc-vi-ky-thi-gioi-tinh-1111580.ldo 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069