“Kỹ năng giao tiếp là một công cụ quan trọng trong cuộc hành trình theo đuổi mục tiêu, dù là với gia đình, đồng nghiệp hay khách hàng của bạn.”
- Les Brown -
“Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình.”
-Brian Tracy-
Ngày nay, giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm cực kì quan trọng. Đó là một tập hợp những quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp mọi người giao tiếp hiệu quả thuyết phục hơn khi áp dụng thuần thục kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông thạo kỹ năng này và đạt được sự tự tin nhất định trong giao tiếp, hiểu được những băn khoăn, lo lắng của thế hệ trẻ ngày nay, báo cáo viên Phạm Văn Giào đã dành hết tâm huyết của mình để chia sẻ những kinh nghiệm về ứng xử trong giao tiếp vào ngày 15 tháng 04 năm 2021 tại trường trung cấp nghề Nhân đạo.
Báo cáo viên Phạm Văn Giào chia sẻ nội dung chuyên đề trước sự chăm chú của các bạn học sinh trường trung cấp nghề Nhân đạo.
1. Tầm quan trọng của “sự giao tiếp”?
Giao tiếp là hoạt động hàng ngày không thể thiếu của chúng ta, vậy có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi thực sự “ giao tiếp là gì” ? Theo bách khoa toàn thư “ giao tiếp” bao gồm hành vi và các quá trình trao đổi thông tin của đối tượng này đến đối tượng khác thông qua các kí hiệu, dấu hiệu được quy ước giữa các bên. Trong chuyên đề, báo cáo viên còn chia sẻ tận tình về mục đích của giao tiếp là tạo dựng các mối liên hệ, liên kết trong giữa các nhóm, các đối tượng. Bên cạnh đó, hai hình thức giao tiếp được giải thích rất tường tận, giao tiếp ngôn từ và phi ngôn từ. Đối với hình thức giao tiếp ngôn từ, đây là hình thức giao tiếp rõ ràng, trực tiếp bằng lời, bằng chữ viết (văn bản). Giao tiếp phi ngôn từ là hình thức giao tiếp gián tiếp bằng ám hiệu, cử chỉ và các ngôn ngữ cơ thể hoặc thông qua các phương tiện điện tử như email, fax,…
Tiếp theo ông Giaò chia sẻ về vai trò của “Kỹ năng giao tiếp”, chúng ta sẽ có 3 vai trò chính: đối với xã hội, đời sống và công việc. Đối với xã hội thì nó sẽ đảm bảo cho sự phát triển và tồn tại của xã hội; đối với đời sống: giúp hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý cá nhận; đối với công việc: mở rộng mối quan hệ với khách hàng, dễ dàng thăng tiến trong công việc. Cùng với sự chia sẻ nhiệt tình của mình, sinh viên rất chăm chú lắng nghe và tích cực đưa ra những ý kiến khiến cho chuyên đề thêm phần hấp dẫn và thú vị.
Bên cạnh đó báo cáo viên còn đi sâu vào phân tích nghĩa của “ứng” và “xử”, “con” và “người” cũng như “ tài – tâm – tầm”, những cái ví dụ dí dỏm những lời giải thích cặn kẽ giúp cho chuyên đề thêm phần ý nghĩa và thiết thực.
Báo cáo viên Phạm Văn Giào giảng giải về các khái niệm, các qui tắc trong giao tiếp ứng xử.
2. Giao tiếp khéo léo và chuyên nghiệp:
Trong phần này, ông Giaò đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp đó chính là ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể, sự lắng nghe và đồng cảm. Phần nào giúp cho các bạn có thêm được những kinh nghiệm thiết thực giúp cải thiện đáng kể chất lượng của các cuộc giao tiếp diễn ra hàng ngày. Cuối chuyên đề, các sinh viên còn được tham gia trò chơi, không những giúp kiểm tra lại những kiến thức các bạn đã được tích góp trong chuyên đề mà còn tạo một không gian, sân chơi cho các bạn thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình.
Sau đây là hình ảnh các bạn cùng tham gia trò chơi sôi nổi trong buổi diễn ra chuyên đề:
Bạn học sinh bị phạt khi tham gia trò chơi.
Các bạn học sinh cùng nhau tham gia trò chơi tìm hiểu về các lời nói ứng xử trong cuộc sống.
Chuyên đề qua đi để lại cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức thú vi bổ ích về kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Với bài giảng gần gũi, phù hợp cùng sự nhiệt tình của báo cáo viên đã khiến không khí lớp học trở thành một không gian cởi mở cho các bạn học sinh tại đây cùng học tập và thực hành.
Thủy Ngân