CHUYÊN ĐỀ: "QUẢN TRỊ CẢM XÚC - EQ" TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

 

Cảm xúc chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta. 

Vậy cảm xúc là gì? Tại sao cần quản lý cảm xúc? Quản lý cảm xúc bằng cách nào?

Chúng ta hãy cùng báo cáo viên Trịnh Công Sơn đi tìm câu trả lời tại chuyên đề

“Trí tuệ cảm xúc EQ” diễn ra vào ngày 15/4/2021 tại Đại học Tôn Đức Thắng các bạn nha.

 

          "Cảm xúc" là gì và làm thế nào để “Quản lí cảm xúc”?

   Theo “Khám phá tâm lý học” của Don Hockenbury và Sandra E. Hockenbury, “Cảm xúc” là một trạng thái tâm lý phức tạp bao gồm 3 phần riêng biệt: trải nghiệm chủ quan, phản ứng sinh lý và phản ứng hành vi hoặc biểu cảm.

   Theo báo cáo viên Trịnh Văn Sơn, “Cảm xúc” là phản ứng, là sự rung động của con người trước tác động của yếu tố ngoại cảnh. Nói một cách khác, bộ não bạn sẽ diễn giải một cái gì đó xảy ra trong chính môi trường của bạn. Lúc này, chúng ta sẽ có 2 trường hợp chính có thể xảy ra:

   Trường hợp thứ nhất, nếu nó được coi là một mối đe dọa, não sẽ tiết ra các hormone gây căng thẳng bao gồm adrenaline và cortisol. Và kết quả của những điều này sẽ dẫn đến cảm giác như sợ hãi, lo lắng hoặc tức giận.

   Trường hợp thứ hai, nếu não diễn giải tình huống là bổ ích, nó sẽ giải phóng các hormone khiến bạn cảm thấy tốt, tích cực như oxytocin, dopamine và serotonin. Lúc này, những cảm xúc bạn cảm thấy được như là hạnh phúc, vui vẻ, hứng thú hoặc kích thích.

                                  Toàn cảnh buổi chuyên đề tại trường đại học Tôn Đức Thắng.

          Ảnh hưởng của cảm xúc đến bản thân:

   Cơ thể phản ứng tùy theo những hành động, cảm xúc và suy nghĩ. Hiện tượng này thường được gọi là sự liên kết giữa thể chất và tinh thần. Khi buồn bã, căng thẳng hay lo lắng, cơ thể sẽ tìm cách báo hiệu là có gì đó bất ổn đang xảy ra và tìm cách phản hồi loại các trạng thái cảm xúc đó. Cảm xúc có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy mỗi ngày có thể buộc chúng ta phải hành động và ảnh hưởng đến những quyết định chúng ta đưa ra về cuộc sống của mình, dù đó là quyết định lớn hay nhỏ.

   Hiểu được cảm xúc bản thân là sự nhận thức ngay được hành động và cảm xúc của chính mình và cách chúng ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Khả năng này rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của loài người, nó làm con người hiểu nhau hơn, có lợi cho việc tạo lập mối quan hệ xã hội tốt đẹp. 

         “Trí tuệ cảm xúc” là gì? Có rèn luyện được không?

   Nếu như IQ là yếu tố bẩm sinh thì EQ, hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc, là thứ hoàn toàn có thể rèn luyện được. Đây là khả năng hiểu, cảm nhận và hồi đáp những cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.

  EQ là viết tắt của từ Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số thông minh cảm xúc của mỗi người, dùng để đo lường trí tưởng tượng, sáng tạo của một người.

 Thành phần và tác dụng của EQ (5 thành phần của trí thông minh cảm xúc):

  • Khả năng am hiểu bản thân: Kiến thức về các trạng thái bên trong, sở thích, nguồn lực và trực giác của chính mình.

  • Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các trạng thái bên trong, các xung động và nguồn lực của chính mình.

  • Động lực: Những xu hướng cảm xúc dẫn dắt hoặc hỗ trợ việc đạt được mục tiêu.

  • Cảm thông: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác.

  • Kỹ năng xã hội: Sự thành thạo trong việc gợi ra những phản ứng mong muốn bên trong người khác.

                                    Cận cảnh báo cáo viên Trịnh Văn Sơn tại chuyên đề.

        Cách thức rèn luyện và phát triển EQ:

  Phát triển trí tuệ cảm xúc thông qua các kỹ năng:

  • Nhận thức và thấu hiểu cảm xúc của chính bạn.
  • Khai thác và áp dụng cảm xúc của bạn trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
  • Quản lý cảm xúc của riêng bạn và cách cảm xúc ảnh hưởng đến những người khác.

       Tại sao xã hội hiện nay nhấn mạnh trí tuệ cảm xúc hơn trí tuệ logic?

 Theo chia sẻ của báo cáo viên Trịnh Văn Sơn thì các nghiên cứu về EQ đã chỉ ra rằng năng lực cảm xúc quan trọng gấp 2 lần kiến thức chuyên môn.

 Và các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, 6 năng lực đứng đầu giúp phân biệt những người làm việc hiệu suất cao với những người làm việc bình thường đó là:

  • Khát khao đạt được thành tựu và tiêu chuẩn thành tựu cao.

  • Khả năng gây ảnh hưởng.

  • Tư duy khái niệm.

  • Khả năng phân tích.

  • Chủ động chấp nhận thử thách.

  • Tự tin

                                              Dàn khách mời của buổi chuyên đề.

   Trong 6 năng lực này, chỉ có 2 năng lực (Khả năng phân tích và tư duy khái niệm) là những năng lực thuộc về trí thông minh thuần túy. 4 năng lực còn lại là năng lực thuộc về trí thông minh cảm xúc. Nhiều tập đoàn lớn  trên thế giới đã ứng dụng EQ trong nội bộ nhân viên để thúc đẩy doanh thu và tăng thị phần, phát triển hiệu suất công việc và giảm biến động nhân sự. Pepsico đã tăng được hiệu quả công việc lên 10%, Sheraton đạt thêm 24% thị phần và Amadori đã giảm được 63% tỷ lệ thay đổi nhân sự, bởi vì họ đã phát triển được EQ của nhân viên.         

   Báo cáo Trịnh Văn Sơn, việc thường xuyên tham gia các buổi học tâm lí về cung bậc cảm xúc nhiều người cho rằng đó là sự lãng phí thời gian, vô ích nhưng ít ai biết rằng lợi ích của việc tham gia các buổi học này vô cùng to lớn.

  Ở các buổi học tâm lí, bằng một cách nào đó, từ những kiến thức chuẩn xác nhất các chuyên gia tâm lí sẽ truyền năng lượng tích cực vào chúng ta một cách dễ chịu nhất, tự nhiên nhất. Từ đó, giúp chúng ta giải phóng được sự tiêu cực, kiểm soát được cảm xúc bản thân và có cuộc sống hiệu quả hơn. Vì vậy, đến thời điểm này, vai trò của các buổi học tâm lý về cung bậc cảm xúc là không thể chối bỏ.

  Nói tóm lại, “Cảm xúc” đơn giản là phản ứng, rung động tự nhiên của con người trước ngoại cảnh. Bất kì ai cũng có cảm xúc vui, buồn khác nhau hay còn gọi là cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc có thể điều khiển hành vi của bạn. Vì vậy, nhiệm vụ của bạn là biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình ở mức thích hợp để tạo ra điều tích cực trong cuộc sống.

 

 

Thủy Tiên

 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069