CHUYÊN ĐỀ: "QUẢN TRỊ CẢM XÚC - EQ" TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

The truth is that we can learn to condition our minds, bodies, and emotions to link pain or pleasure to whatever we choose.

 By changing what we link pain and pleasure to, we will instantly change our behaviors.

(Sự thật là ta có thể học cách điều chỉnh trí óc, cơ thể và cảm xúc của mình để kết nối đau đớn hay khoái lạc với bất cứ điều gì ta chọn. Bằng cách thay đổi điều ta kết nối với đau đớn và khoái lạc, ta sẽ lập tức thay đổi hành vi)

_Tony Robbins_

    Hiểu rõ được tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc EQ và mong muốn giúp đỡ các bạn sinh viên học tập làm việc hiệu quả đồng thời có thêm nhiều cơ hội trong công việc cũng như trong cuộc sống, ngày 26/11/2020 vừa qua VSEC đã có buổi sinh hoạt giáo dục kỹ năng mềm chuyên đề quản trị cảm xúc EQ cùng các bạn sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Với vai trò báo cáo viên, ông Trịnh Văn Sơn đã cùng các bạn sinh viên tìm hiểu, trao đổi về các vấn đề cảm xúc, tầm quan trọng, lợi ích đông thời thực hành một số phương pháp rèn luyện, quản lý cảm xúc.

                        Chuyên đề diễn ra với sự tham gia của các bạn sinh viên HCMUTE

    1/ "EQ" là gì?   

    Một ngày của chúng ta thường diễn ra với rất nhiều những cung bậc cảm xúc. Chúng ta thường cảm thấy vui sướng khi được khen, cảm thấy tức giận hoặc xấu hổ khi bị phê bình,…. Theo “Khám phá tâm lý học” của Don Hockenbury và Sandra E. Hockenbury, “cảm xúc” là một trạng thái tâm lý phức tạp bao gồm ba thành phần riêng biệt: trải nghiệm chủ quan, phản ứng sinh lýphản ứng hành vi hoặc biểu cảm. Báo cáo viên Sơn cho biết: "cảm xúc" được biểu hiện thông qua cách phản ứng của chúng ta qua các khía cạnh tâm - sinh lý, có thể bằng những hành động khi chúng ta đối diện với một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Các tình huống chủ quan trong cuộc sống hàng ngày thường mang lại những cảm xúc tự nhiên vô thức. VD: bạn cảm thấy thế nào khi bị kẹt xe trên phố khi đang bị trễ giờ? Hay khi người khác cắt lời trong một cuộc họp? Những cảm xúc mạnh mẽ cũng đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của chúng ta. Do đó, cơ thể phản ứng tùy theo những hành động, cảm xúc và suy nghĩ. Hiện tượng này thường được gọi là sự liên kết giữa thể chất và tinh thần. Khi buồn bã, căng thẳng hay lo lắng, cơ thể sẽ tìm cách báo hiệu là có gì đó bất ổn đang xảy ra. Ví dụ: Căng thẳng khiến nhịp tim tăng nhanh, thở gấp, tay chân run, trở nên lạnh hoặc ra nhiều mồ hôi…

     EQ là viết tắt của từ Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số thông minh cảm xúc của mỗi người, dùng để đo lường trí tưởng tượng, sáng tạo của một người. Trí thông minh cảm xúc gồm 05 thành phần:

  • Khả năng am hiểu bản thân: Kiến thức về các trạng thái bên trong, sở thích, nguồn lực và trực giác của chính mình.
  • Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các trạng thái bên trong, các xung động, và nguồn lực của chính mình.
  • Động lực: Những xu hướng cảm xúc dẫn dắt hoặc hỗ trợ việc đạt được mục tiêu.       
  • Cảm thông: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác.
  • Kỹ năng xã hội: Sự thành thạo trong việc gợi ra những phản ứng mong muốn bên trong người khác.

 

                                Báo cáo viên truyền tải nội dung đến các bạn sinh viên

      2/ "EQ" có phải "IQ"?

     Khác với IQ là chỉ số bẩm sinh duy trì trong suốt cuộc đời, EQ hoàn toàn có thể rèn luyện và cải thiện được. Quản lý cảm xúc EQ là một kỹ năng quan trọng tác động không nhỏ đến chất lượng công việc cũng như cuộc sống của mỗi chúng ta. Khi nhận thức rõ và có khả năng kiểm soát tốt những cảm xúc của mình, bạn giữ được bình tĩnh và lý trí để xử lý tình huống bằng cách tiết chế hành vi, thái độ, không để cảm xúc tác động đến khả năng tập trung, từ đó nâng cao kỹ năng xã hội và hiệu suất làm việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, khả năng lãnh đạo, giải quyết xung đột, đưa tới những mối quan hệ và những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, giúp bạn thành công trong cuộc sống. Và các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, 06 năng lực đứng đầu giúp phân biệt những người làm việc hiệu suất cao với những người làm việc bình thường đó là:

  • Khát khao đạt được thành tựu và tiêu chuẩn thành tựu cao
  • Khả năng gây ảnh hưởng
  • Tư duy khái niệm
  • Khả năng phân tích
  • Chủ động chấp nhận thử thách
  • Tự tin

    Theo Báo cáo viên Sơn, trong 06 năng lực này, chỉ có hai năng lực (khả năng phân tíchtư duy khái niệm) là những năng lực thuộc về trí thông minh thuần túy (IQ). Bốn năng lực còn lại là năng lực thuộc về trí thông minh cảm xúc (EQ). Chính vì vậy, để làm việc đạt hiệu suất, gặt hái được nhiều thành công, việc ý thức được vai trò của EQ và cố gắng rèn luyện nâng cao mỗi ngày là vô cùng thiết yếu.

             Đại diện nhà trường trao tặng hoa cùng Thư Cảm ơn đến Báo cáo viên Trịnh Văn Sơn

    Bằng những ví dụ thực tiễn cùng cách phân tích chuyên sâu, đầy lôi cuốn, ông Trịnh Văn Sơn đã truyền tải nội dung chuyên đề một cách trọn vẹn và thú vị. Buổi chuyên đề cũng ghi nhận sự tham gia hưởng ứng tích cực và ý kiến đóng góp xây dựng buổi học từ đông đảo các bạn sinh viên. Qua buổi chuyên đề, bằng cách quan sát, công nhận những cảm xúc thực sự biến đổi theo tình huống và thời gian, các bạn sinh viên đã nắm bắt được những thông tin cảm xúc có ảnh hưởng lớn tới cách tư duy và hành vi, nhận thức được sức mạnh và hạn chế của mình, cũng như trang bị cho mình những kỹ năng quản lý cảm xúc, nâng cao hiệu quả học tập, cải thiện và mở rộng mối quan hệ với mọi người.

Minh Thúy

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069