Tối ngày 16 tháng 03 năm 2024, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã tiếp tục phối hợp cùng Trường Đại học Cửu Long, Thành phố Vĩnh Long triển khai sinh hoạt công dân dành cho sinh viên năm học 2024 - 2025.
Thầy Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục với vai trò là báo cáo viên đã mang đến chuyên đề: "Nhận biết và chăm sóc sức khỏe tinh thần" .
Gần 90% sinh viên có hành vi tự làm hại bản thân là con số báo động. Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2023 công bố một nghiên cứu về sức khỏe tinh thần. Kết quả khảo sát với 465 sinh viên cho thấy, 77,4% có biểu hiện đau khổ tâm lý và 89,67% từng thực hiện ít nhất một hành vi tự làm hại bản thân như kéo/giật/bứt tóc, tự đánh/đập đầu mình hay tự cắn. Phần lớn hành vi tự hại đều nhằm mục đích giảm cảm giác trống rỗng hoặc tê liệt.
"Sức khỏe tinh thần là khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân con người theo hướng tích cực, lạc quan. Chỉ khi tinh thần đủ mạnh mẽ thì mới có thể dễ dàng vượt qua những thách thức của cuộc sống".
Một con người có sức khỏe tinh thần tốt luôn nhìn thấy những khía cạnh tươi đẹp, hướng giải quyết đơn giản cho một tình huống éo le. Trong khi đó, người có sức khỏe tinh thần bất ổn thì luôn tự trách và chìm đắm sâu vào sự tự dằn vặt, oán thán và trách móc. Chăm sóc sức khỏe tâm thần chính là một trong những biện pháp của chăm sóc sức khỏe toàn diện. Chăm sóc và nâng cao sức khỏe tinh thần chính là tạo niềm hạnh phúc tự tại từ trong tâm hồn, giúp bản thân cảm thấy vững vàng và kiểm soát mọi việc tốt hơn.
Kết thúc chuyên đề, Viện IAPE hi vọng sinh viên trường Đại học Cửu Long nói riêng và các bạn trẻ nói chung có đủ bản lĩnh, bình tĩnh và kiến thức để vượt qua những biến cố không mong muốn trong học tập cũng như cuộc sống.
Duyên Kiều