CHUYÊN ĐỀ: "KỸ NĂNG ỨNG XỬ - LỜI TỪ CHỐI HOÀN HẢO" TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT

“Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Tục ngữ Việt Nam.

      Thực tế cho thấy rằng, thông qua giao tiếp, cách trò chuyện, bày tỏ suy nghĩ, thái độ có thể giúp ta có thêm một người bạn hoặc cũng có thể đánh mất đi một mối quan hệ. Không chỉ vậy, qua cách ứng xử - giao tiếp ta cũng có thể đánh giá được đó là người như thế nào. Hơn nữa, có thể thấy rằng giao tiếp - ứng xử cũng là một “chìa khóa” mở lối đến thành công, cho dù bạn muốn từ chối thì cách nói “ không” của bạn cũng làm mất lòng đối phương. Để giúp cho các sinh viên hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng ứng xử, đặc biệt là lời từ chối sao cho “mát lòng” người nghe, ngày 27 tháng 4 năm 2021 tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra chuyên đề “Kỹ năng ứng xử - lời từ chối hoàn hảo” do thầy Phạm Văn Giào báo cáo với sự tham gia đầy hứng khởi của sinh viên trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Hồ Chí Minh.

       Tầm quan trọng của “Sự giao tiếp”.

     1. Giao tiếp là gì?

  Qua sự giảng giải đầy tỉ mỉ của thầy Phạm Văn Giào các bạn sinh viên đã hiểu được thế nào là giao tiếp, tầm quan trọng của giao tiếp và làm thế nào để rèn luyện “Kỹ năng ứng xử- lời từ chối hoàn hảo”.

“Giao tiếp là một quá trình qua đó các đối tác trao đổi, chia sẻ những hiểu biết, ý tưởng,tình cảm, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức (gọi chung là thông tin)”.

                                   Báo cáo viên Phạm Văn Giào thực hiện báo cáo chuyên đề

    2. Vai trò của giao tiếp.

  Trong cuộc sống, giao tiếp xảy ra hàng ngày và tham gia vào toàn bộ quá trình hoạt động của con người. Giao tiếp là cơ sở để tạo lập mối quan hệ giữa con người với con người và liên kết hoạt động của một tập thể. Thông qua giao tiếp con người hiểu nhau, trao đổi thông tin và kinh nghiệm của nhau. Vì vậy, giao tiếp được coi như là một phương tiện cơ bản nhất để tiến hành công việc hiệu quả.

   3. Các yếu tố trong giao tiếp.

  Trong giao tiếp có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp, nó đến từ những người đang đối thoại với nhau, từ nội dung cuộc đối thoại và yếu tố bên ngoài cũng có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đối thoại.

  •  Bên gửi và bên nhận: Trong mọi cuộc giao tiếp thì luôn sẽ có người nói hay người đưa ra thông tin và người nghe hay người tiếp nhận thông tin.
  •  Thông tin trao đổi: không có nội dung của cuộc nói chuyện nào là như nhau, vậy nên mọi thông tin từ các cuộc nói chuyện luôn khác nhau. Nội dung của cách nói chuyện hết sức phong phú, nó có thể là cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm, có thể là lúc bày tỏ tâm tư suy nghĩ về cảm cảm giữa người với người, hay đơn giản là các buổi nói chuyện giữa những người bạn
  • Phương pháp truyền tin: là cách truyền đạt thông tin đến người nhận bằng cách sử dụng các giác quan con người như: nghe, nói, nhìn và biểu lộ trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện nghe nhìn khác.
  • Sự phản hồi: là sự trao đổi giữa người nhận tin và người cho tin nhằm làm rõ thông tin vừa truyền đạt.
  • Bối cảnh giao tiếp: bao gồm không gian, thời gian, địa điểm, các tình huống, vai trò của đối tác và mục đích của cuộc giao tiếp, v.v...

          Báo cáo viên Phạm Văn Giào nhận quà và chụp hình lưu niệm cùng giáo viên trường

        Giao tiếp khéo léo và chuyên nghiệp.

       1/ Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp.

  Yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp có ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể và một yếu tố không thể thiếu là thái độ của bạn trong cuộc nói chuyện.

    a/ Ngôn ngữ: Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để thông tin mà còn được sử dụng để truyền đạt, bộc lộ cảm xúc cá nhân hoặc tập thể. Ngoài việc thể hiện ý chí, tình cảm, ngôn ngữ còn thể hiện trình độ học vấn, văn hóa và nhân cách của một người.

    b/ Ngôn ngữ thể: Các tín hiệu không lời được truyền đi, có thể mang lại kết quả tích cực hoặc tiêu cực. Theo Albert Meharabian, Giáo sư Danh dự chuyên ngành Tâm lí học Đại học California: “Một giao tiếp thông thường bao gồm: 55% các hành vi không lời như cử chỉ và nét mặt; 38% là giọng nói bao gồm: âm lượng, sắc điệu, ngữ điệu và chất giọng; câu chữ chiếm 7% còn lại". Chúng ta thấy đó, ngôn ngữ cơ thể hay còn gọi là phi ngôn ngữ chiếm phần trăm khá cao. Từng cử chỉ tay, chân, nét mặt, ánh nhìn,... đều phản ánh được thái độ, tinh thần của bạn.

   c/ Sự lắng nghe và đồng cảm: Sự lắng nghe và đồng cảm nói cách khác chính là thái độ của bạn trong giao tiếp. Lắng nghe là nghe một cách toàn tâm toàn ý như đang bị cuốn vào trong nội dung cuộc giao tiếp đó. Đồng cảm là cách chúng ta đặt vị trí của mình vào đó để thấu hiểu cảm giác, tâm tư, suy nghĩ của đối phương. Nó không chỉ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng mà còn giúp họ dễ mở lòng, tăng sự thân thiết trong mối quan hệ. Đồng cảm là yếu tố không thể thiếu trong việc gia tăng sự liên kết với đối phương. Chỉ khi đặt bản thân vào góc nhìn của đối phương thì họ mới cảm thấy tin tưởng và mở lòng với bạn hơn.

              Các bạn học sinh cùng chụp hình lưu niệm với báo cáo viên tại buổi diễn ra chuyên đề

        2/ “Kỹ năng từ chối” trong giao tiếp.

    Mỗi người chúng ta ai cũng đều gặp những tình huống bắt buộc phải đưa ra lời từ chối. Đưa ra lời từ chối không chỉ với người thân, bạn bè mà còn với đồng nghiệp, cấp trên, người lạ,...hay đưa ra lời từ chối tình cảm.  Những lời từ chối bắt buộc phải đưa ra nhưng lúc đó ai cũng đã có lần do dự, đắn đo vì lo sợ rằng khi mình từ chối liệu có làm đối phương mất lòng, tổn thương hay là có thể quay lại ghét mình hay không. Vậy nên, việc đưa ra một lời từ chối khéo léo vừa thỏa lòng mình vừa không mất lòng đối phương là một kỹ năng rất cần thiết và hữu ích trong mỗi vấn đề của cuộc sống.

   Sau đây là một số điều bạn nên lưu ý khi từ chối:

  • Đầu tiên, trước khi đưa ra lời từ chối, bạn cũng cần xem xét bản thân có thể giúp được đối phương không. Nếu bạn không giúp được và nói ra trực tiếp với họ thì cũng sẽ không khiến đối phương cảm thấy bạn không muốn giúp họ mà là khả năng của bạn không cho phép.

  • Không tỏ thái độ, ví dụ ai đó nhờ bạn một việc bạn không thích và bạn thể hiện sự chán ghét trước trực tiếp với người đó thì cho dù bạn có giúp, họ vẫn không cảm kích mà chỉ cảm thấy bạn đang có hành vi coi thường bản thân họ, việc này rất dễ khiến bạn mất điểm trong mắt người khác.

  • Không cảm thấy có lỗi vì không giúp được đối phương. Vì việc người đó nhờ bạn giúp không nằm trong khả năng của bạn và có người khác có thể giúp người đó làm việc đó tốt hơn bạn. Và một đều nữa, nếu giúp họ, công việc của bạn sẽ không hoàn thành tốt theo mong muốn của họ. Yếu tố tâm lý thật sự rất đáng sợ nên bạn cần phải kiên định, nếu không người thiệt thòi là bạn.

    “Kỹ năng ứng xử - lời từ chối hoàn hảo” là một kỹ năng cần thiết với mỗi người. Nó không chỉ giúp bạn trong các mối quan hệ còn thông qua đó để đánh giá một con người. Con người không ai sinh ra đã biết đi, vậy nên nếu bạn muốn có một kỹ năng ứng xử tốt cùng việc biết cách đưa ra lời từ chối hoàn hảo thì bạn cần phải luyện tập. Việc luyện tập tất nhiên không đơn giản và bạn luôn mắc những sai lầm nhưng hãy nhớ trước khi bạn tự bước đi bạn cũng đã té ngã không biết bao nhiêu lần.

Hiếu Kiên

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069