Như thế nào là kỹ năng tư duy sáng tạo?
Tại sao tư duy sáng tạo được xem là một kỹ năng mềm?
Làm thế nào để rèn luyện và áp dụng vào cuộc sống thực tế?
Để trả lời các câu hỏi trên, tạo cơ hội cho sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM trang bị thêm hành trang cho mình, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục chọn chuyên đề “Kỹ năng tư duy sáng tạo” là phát súng mở màn đầu tiên cho chuỗi chương trình giáo dục Kỹ năng mềm dành cho sinh viên K15 của trường.
Chuyên đề được phụ trách bởi Thạc sĩ Hoàng Bảo Trường trong hơn 3 giờ đồng hồ. Bên cạnh việc giảng dạy các nội dung lý thuyết khô khan, Báo cáo viên luôn đan xen những ví dụ sinh động cùng với sự khuyến khích tương tác của sinh viên làm cho không khí buổi học trở nên thoải mái, vui vẻ.
Trong chuyên đề, thầy Trường đi từ những điều cơ bản nhất trong tư duy sáng tạo, rồi từ cơ sở nền tảng đó hình thành nên kỹ năng cụ thể để sinh viên có thể thực hành và áp dụng. Thực tế cho thấy tư duy sáng tạo không phải là một yếu tố bẩm sinh mà là cả một quá trình quan sát, đánh giá nhận xét. Nhắc đến sáng tạo là chúng ta nghĩ ngay đến sự mới mẻ, độc đáo, có ích.
Theo Báo cáo viên chia sẻ, có ba nhân tố tạo hình thành nên tư duy sáng tạo gồm: kinh nghiệm (sự hiểu biết, thành thạo); khả năng tư duy nhạy bén; động lực thúc đẩy. Bên cạnh đó, thầy còn nhấn mạnh về các rào cản làm hạn chế tư duy sáng tạo hiện nay, điều này giúp sinh viên nhận ra được vấn đề mà bấy lâu nay không để ý đến. Cụ thể gồm 4 nguyên nhân sau:
Rào cản văn hóa
Rào cản thông tin
Rào cản nhận thức
Tính ì của tâm lý
Để kích thích tư duy sáng tạo trong học tập và làm việc, thầy Trường giới thiệu đến sinh viên 3 công cụ được sử dụng phổ biến hiện nay: Sơ đồ tư duy, kỹ thuật Brainstorm và phương pháp sáng tạo SCAMPER. Trước khi kết thúc buổi học là phần thực hành dành cho sinh viên. Dẫu rằng thời gian ngắn ngủi của lớp học, cả thầy và trò đều cố gắng liên kết với nhau, cùng tương tác nhiệt tình để tạo nên sự thành công cho một buổi học kỹ năng mềm online giữa mùa dịch nhiều khó khăn.
Duyên Kiều