CHUYÊN ĐỀ: “KỸ NĂNG HỌC TẬP HIỆU QUẢ” TẠI ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn

(Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi)

-Benjamin Franklin-

     “Học tập” là quá trình của sự tìm hiểu và tiếp thu, không ngừng trau dồi, bổ sung những tri thức và kỹ năng cho bản thân, từ đó, mở rộng các vấn đề, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực đa dạng và phong phú, nâng cao kiến thức, tăng sự sáng tạo, giúp ích cho xã hội. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, việc học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó giúp mỗi người tăng thêm sự tự tin trên con đường hội nhập với thế giới.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự trang bị cho mình một phương pháp học tập đúng đắn để việc học đạt được hiệu quả cao. Trước thực tế đó, vào ngày 18/11/2020, Hội đồng Kỹ năng mềm Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức chuyên đề “Kỹ năng học tập hiệu quả”.

Chuyên đề “Kỹ năng học tập hiệu quả, kỹ năng tự học và nâng cao năng lực cá nhân” diễn ra tại Đại học Tôn Đức Thắng ngày 18/11/2021

    Việc học tập của mỗi người diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng

    Việc học có thể diễn ra trong nhà trường, các cơ sở dạy học,... Ngoài ra, việc tự học cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập của mỗi người. Người học có thể học từ nhiều nguồn khác nhau: học từ giáo viên, từ bạn bè, từ những người xung quanh, từ sách vở, tài liệu, học trực tiếp và học trực tuyến, và cả qua những trải nghiệm của chính bản thân. Điểm chung của các hình thức học tập đều là mang đến cho người học một nguồn kiến thức nhất định, để thông hiểu những kiến thức ấy thì cần có một phương pháp học tập đúng đắn.

    1/ Những hạn chế trong xây dựng phương pháp học tập: “học vẹt”, “học tủ”, “tư duy lối mòn”

     “Học vẹt” là lối nói ẩn dụ để chỉ những người học thuộc bài, trả lời lý thuyết rất trôi chảy nhưng thực ra không hiểu được bản chất của vấn để, biết khái niệm nhưng không thể áp dụng vào thực tiễn. Cách học này giống như cách bắt chước của loài vẹt, dù có thể học nói tiếng người nhưng thực chất chúng không hiểu mình đang nói cái gì. Có một cách học giống với “học vẹt”, đó là “học tủ”. Hai cách học này đều mang tính chất đối phó, nhưng thay vì học hết lý thuyết như người học vẹt, thì người học tủ chỉ học một số phần nhất định, việc còn lại là cầu mong may mắn khi đi thi, hoặc nếu không may sẽ bị “tủ đè”.

      Cũng có nhiều người không “học vẹt”, “học tủ”, có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, tuy nhiên họ lại vướng vào “tư duy lối mòn”, là kiểu tư duy thụ động, chỉ dựa dẫm vào sách vở và lý thuyết, không có tính sáng tạo, người học luôn tự trói buộc mình trong định kiến và vùng an toàn của bản thân. Những hình thức học tập trên đây không hoàn toàn vô hiệu, nhưng hiệu quả mang lại chỉ mang tính nhất thời, người học theo phương pháp này thường “học trước quên sau”, hoặc không tận dụng được kiến thức vào đời sống, khiến việc học trở nên vô nghĩa.

     2/ Xây dựng phương pháp học đúng đắn như thế nào?

    “Phương pháp học tập đúng đắn” là một khái niệm vô cùng rộng lớn, bởi mỗi người tiếp thu thông tin theo nhiều cách khác nhau, sở thích học tập khác nhau và khả năng xử lí thông tin cũng khác nhau. Bởi vậy, phương pháp học như thế nào cho đúng, cho có hiệu quả cao đối với mỗi người cũng khác nhau. Để xác định phương pháp học tập đúng đắn, trước tiên người học cần phải xác định sở thích và điểm mạnh của bản thân là gì, dựa vào các yếu tố như cách xử lý thông tin, cách tiếp thu thông tin, cách trình bày và cách tổ chức thông tin.

    Trước hết là về cách xử lý thông tin: trực tiếp hay gián tiếp? Bạn muốn tìm hiểu về một thông tin bằng cách truyền đạt và thử nghiệm, tự mình xác minh thông tin, đây gọi là xử lý thông tin trực tiếp. Còn nếu bạn muốn suy nghĩ, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định về việc thực hiện một điều gì đó, đây là xử lý thông tin gián tiếp. Phương pháp trực tiếp thường mang tính sáng tạo, chủ động nhưng có thể sẽ mang đến rủi ro khi thực hiện mà chưa có sự chuẩn bị kỹ về thông tin tìm hiểu được, còn phương pháp gián tiếp tuy an toàn hơn nhưng khả năng sáng tạo của người học có thể bị hạn chế.

   Thứ hai là cách tiếp thu thông tin. Bạn thích các thông tin cụ thể và thiết thực, được định hướng theo các chi tiết, sự kiện, số liệu và các quy trình đã được chứng minh, là người thực tế và thích các ứng dụng thực tiễn, đó là cách tiếp thu bằng giác quan. Ngược lại, nếu bạn thích tiếp nhận những thông tin trừu tượng, nguyên bản, thích khám phá các khả năng, mối quan hệ và làm việc với ý tưởng,... như cách nhìn nhận một bức tranh hay một tác phẩm văn học, là phương pháp tiếp thu thông tin bằng trực giác. Khi so sánh hai phương pháp này, có thể thấy người dùng giác quan có thiên về tư duy logic và người dùng trực giác thiên về tư duy nghệ thuật.

   Tiếp đến là cách trình bày thông tin. Có hai phương thức chính để trình bày thông tin: bằng hình ảnh và bằng ngôn từ. Hình ảnh có thể bao gồm sơ đồ tư duy, bản-biểu đồ, đồ thị, hình ảnh, tranh vẽ,... Ngôn từ gồm văn nói và văn viết. Hai phương thức trình bày này có thể được đặt riêng lẻ hoặc phối hợp cùng với nhau, người học hoàn toàn có thể lựa chọn bất kì phương thức trình bày nào thu hút và dễ tiếp thu đối với bản thân.

   Cuối cùng là phương pháp tổ chức thông tin. Thông thường, người học chọn cách tổ chức thông tin có tuần tự, các bước được sắp xếp cụ thể, thông tin được chia mục rõ ràng. Tuy nhiên cũng có người thích những thông tin đặt trong tổng thể, sắp xếp ngẫu nhiên không theo bất kỳ mối quan hệ nào, phương pháp tổ chức thông tin này tuy không phổ biến nhưng những người chọn cách học này thường có kết quả cuối cùng chính xác và không kém phần sáng tạo.

                  Sinh viên lắng nghe và tiếp thu các phương pháp học tập hiệu quả

   3/ Một số phương pháp học tập hiệu quả?

   Dưới đây là một số phương pháp học tập hiệu quả, tuy nhiên những phương pháp này chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi người đều có thể chọn lựa, kết hợp và cải biên chúng để tự đưa ra phương pháp học tập đúng đắn nhất cho bản thân:

  • Đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể, rõ ràng: bằng cách này, người học xác định và định hướng được kết quả học, từ đó biết phân bổ thời gian và tìm kiếm tài liệu học phù hợp.
  • Quản lý và tận dụng thời gian: việc học mặc dù quan trọng nhưng cũng cần phải kết hợp với các hoạt động khác trong đời sống, việc quản lý thời gian giúp người học chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, tránh việc học quá nhiều hoặc quá ít làm ảnh hưởng đến cả việc học lẫn cuộc sống
  • Phương pháp đọc nhanh: là cách đọc chỉ chú trọng vào các từ khóa quan trọng thay vì đọc toàn bộ nội dung cuốn sách/tài liệu mà không nắm được ý chính. Phương pháp này cần có sự luyện tập lâu dài nhưng hiệu quả đạt được sẽ khiến bạn kinh ngạc.
  • Sử dụng “từ khóa”: “từ khóa” xuất hiện ở khắp mọi nơi. Cũng giống như phương pháp đọc nhanh, việc tập trung vào từ khóa trong tiếp thu và ghi chép kiến thức giúp người học nắm bắt được trọng tâm của vấn đề, tránh việc học lan man, dài dòng.
  • Rèn luyện khả năng ghi nhớ: bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngay lập tức ghi chép lại thông tin nên việc có một trí nhớ tốt là vô cùng quan trọng. Đây cũng là kĩ năng cần có sự luyện tập chuyên cần và lâu dài.
  • Ôn tập lại và thực hành: chỉ học lý thuyết thôi là không đủ, người học cần không ngừng ôn tập và thực hành để tránh bị mai một kiến thức và việc học đạt hiệu quả cao.

   Trong buổi chuyên đề, sinh viên có cơ hội cùng nhau tham gia trò chơi tư duy, cùng đặt câu hỏi và thảo luận với báo cáo viên về cách xây dựng phương pháp học tập hiệu quả.

Chuyên đề diễn ra với sự góp mặt của các bạn sinh viên trường TDT

Hải My

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069