CHUYÊN ĐỀ: "AM HIỂU TÂM LÝ NGƯỜI ĐỐI DIỆN" TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP.HCM

          Có thể bạn sẽ tự hỏi chính bản thân mình là cuộc sống sẽ ra sao nếu mình đọc được suy nghĩ, hiểu được tâm trí của người khác. Chắc hẳn lúc đấy cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn rất nhiều, hiện nay nhiều người cũng thường xuyên dùng trực giác của mình để đoán suy nghĩ của người khác, tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào linh cảm của bản thân là phần lớn. Hiểu được tâm lý chung đó, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục đã tổ chức chuyên đề “Am hiểu tâm lý người đối diện” vào ngày 26 tháng 4 năm 2021 tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM do Báo cáo viên Nguyễn Thị Thanh Thủy thực hiện nhằm giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về kỹ năng mềm này.

         1/ Nghệ thuật đọc vị

   a/ Như thế nào là thấu hiểu người khác?

  Thấu hiểu là biết rõ ý nghĩ, ý muốn thầm kín của người khác, đó là sự kết hợp giữa trải nghiệm của cảm nhận và suy nghĩ của con người. Thấu hiểu chẳng những giúp chúng ta có thể duy trì những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp mà còn giúp công việc được hiệu quả hơn cũng như là thành công hơn trong cuộc sống.

                      Các bạn tham gia tương tác cùng Báo cáo viên tại buổi diễn ra chuyên đề

  Nắm bắt được tâm lý của đối phương là một kỹ năng vô cùng quan trọng và cần thiết, đặt biệt trong thời buổi hiện nay vì giao tiếp là một phần không thể thiếu, nắm bắt được tâm lý đối phương sẽ giúp cho đối phương cảm thấy thoải mái, dễ chịu và được tôn trọng hơn; việc đàm phán và thương lượng cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

  Trong chuyên đề, Báo cáo viên đã chia sẻ rất tận tình về khái niệm này cũng như là đưa ra những ví dụ thực tế khiến cho sinh viên cảm thấy vô cùng thích thú vì mình đã học được kiến thức bổ ích và ý nghĩa này.

   b/ Dấu hiệu “tán thành” hay “phản đối”?

  Trong phần này, bà Thủy đã trình bày về 4 thủ thuật, đó chính là sử dụng nỗi ám ảnh, toàn bộ thế giới này là sự phản chiếu, bài học về ngôn ngữ, những dấu hiệu tích cực. Phần này còn khá mới mẻ và độc đáo vì có thể  chúng ta đã vô tình bắt gặp và thực hiện chúng trong vô thức, tuy nhiên chưa biết được một cách cụ thể và đầy đủ nhất. Nhờ chuyên đề, chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn và hoàn thiện hơn. Ngoài ra, Báo cáo viên còn đưa ra những ví dụ minh họa cho từng thủ thuật khiến cho chuyên đề thêm phần lôi cuốn và hấp dẫn.

       Các bạn sinh viên trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Tp.HCM trước khi diễn ra chuyên đề

    c/ Các loại tính cách

   Trước khi tìm hiểu về các loại tính cách chúng ta phải tìm hiểu “Tính cách” là gì? “Tính cách” là phong thái tâm lí cá nhân quy định cách thức hành động và sự phản ứng của cá nhân đối với môi trường xung quanh, là sự kết hợp của các đặc điểm tâm lí mà dựa vào đó, chúng ta có thể phân biệt cá nhân này với những người khác.

  Báo cáo viên đã chia sẻ các mô hình tính cách: 16 đặc điểm tính cách phổ biến, 5 tính cách lớn, chỉ số tính cách Myers – Briggs. Trong mô hình 5 tính cách lớn, Báo cáo viên Thanh Thủy đã liệt kê và cho ví dụ minh họa cụ thể: tính hướng ngoại, tính hòa đồng, tính chu toàn, tính ổn định tình cảm, tính cởi mở. Sinh viên rất thích thú với những chia sẻ này và nhiệt tình đặt ra những câu hỏi khiến chuyên đề thêm phần ý nghĩa và lôi cuốn.

   

              Báo cáo viên Nguyễn Thị Thanh Thủy nhận quà lưu niệm và chụp hình cùng giáo viên tại trường

       d/ Ngôn ngữ cơ thể

      Theo Ross Buck, Tiến sĩ, giáo sư khoa học giao tiếp và tâm lý học tại Đại học Connecticut, “ngôn ngữ cơ thể” đại diện cho một sự giao tiếp riêng biệt ngoài lời nói, tồn tại song song với ngôn ngữ, nhưng nó có bao gồm cả cảm xúc và phần lớn xảy ra ở cấp độ tiềm thức. Ngôn ngữ cơ thể bao gồm: các biểu hiện trên gương mặt, tư thế cơ thể, cử chỉ, cử động của mắt, đụng chạm và sử dụng không gian cá nhân.

       2/Am hiểu tâm lý người đối diện

       Đến phần chính của chuyên đề, phần này cũng hấp dẫn không kém, Báo cáo viên cho các sinh viên chơi trò chơi tương tác để nắm rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của việc “Am hiểu tâm lý người đối diện”. Bên cạnh đó còn chia sẻ thêm ý nghĩa của sự im lặng. Im lặng là biểu hiện của sự chán nản, bức xúc, không muốn giao tiếp với ai. Khi bạn không muốn tiếp tục cuộc giao tiếp, hay muốn tỏ ra không đồng ý một cách tế nhị, khéo léo bạn có thể lựa chọn sự im lặng. Ngược lại im lặng cũng được ngầm hiểu như là sự chấp nhận. Im lặng cũng là biểu hiện của việc đang tập trung cao độ để tiếp thu, lắng nghe và thấu hiểu. Trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong tình yêu, im lặng là dấu hiệu của "chiến tranh lạnh".

       Có thể thấy rằng đọc vị là một nghệ thuật giao tiếp được áp dụng nhiều trong cuộc sống, học tâp và công việc. Chúng ta đã cùng nhau trải qua một chuyên đề đầy hấp dẫn và thú vị, dù đồng hành cùng nhau chỉ vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tuy nhiên các bạn rất hứng thú và tràn đầy năng lượng, đã tích cực tham gia vào buổi chuyên đề, đặt ra rất nhiều câu hỏi, cũng như là được giải đáp một cách thỏa đáng. Buổi chuyên đề kết thúc thành công, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía nhà trường cũng như từ các bạn sinh viên cùng tham gia chuyên đề.

Thủy Ngân

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069