CHUYÊN ĐỀ 6: " KỸ NĂNG LẬP KẾ HOẠCH VÀ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG THAM VẤN TÂM LÝ TRONG NHÀ TRƯỜNG" DÀNH CHO GIÁO VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TAM NÔNG

Trong bất kỳ công việc nào cũng vậy, đều cần có kế hoạch và lộ trình nhất định để thuận tiện cho việc theo dõi cũng như đảm bảo hoàn thành đủ các quy trình. Trong tham vấn học đường cũng vậy, việc lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động tham vấn tâm lý không thể diễn ra một cách ngẫu hứng mà phải được cân nhắc và tính toán các trường hợp trước theo vấn đề thân chủ đưa ra trong buổi gặp mặt đầu tiên.

Nhằm giúp các thầy cô trên địa bàn huyện Tam Nông có thể hình dung và hiểu rõ được vấn đề này, ngày 20.10. 2021, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục tổ chức chuyên đề thứ 6, cũng là chuyên đề cuối cùng trong chương trình tập huấn dành cho giáo viên Tiểu học, THCS huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - Chuyên đề Kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động tham vấn tâm lý  trong nhà trường”. Dưới sự diễn giải của Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang, các thầy cô đã trang bị thêm cho mình nhiều nội dung kiến thức bổ ích trong công tác tham vấn, cũng như có cơ hội thực hành ngay tại lớp với các tình huống mà cô Giang đưa ra.

Nội dung chuyên đề,  Báo cáo viên chia sẻ về các kế hoạch trong tham vấn tâm lý học đường và những vấn đề cơ bản trong công tác lập kế hoạch. Kế hoạch này gồm có: Kế hoạch tạo lập mối quan hệ trong buổi đầu tiên, Kế hoạch thu thập thông tin xác định vấn đề,... “Kế hoạch có thể hiểu đơn giản là các bước hành động có thời gian và nguồn lực cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra” - theo Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang. 

Phần trọng tâm của chuyên đề là phương pháp lập kế hoạch như nào cho logic và hiệu quả. Thông thường, hoạt động tham vấn tâm lý học đường sẽ được đảm nhận bởi một tổ tham vấn với nhiều chuyên môn khác nhau nhằm hỗ trợ các em học sinh các vấn đề từ học tập, đời sống, các mối quan hệ xã hội, tâm sinh lý,... Vì vậy việc quan trọng đầu tiên là phân chia nhiệm vụ cho các thanh viên trong tổ tham vấn đó. Việc gì giúp gia tăng sự thành công của một ca tham vấn, đồng thời là thời điểm để tổ tham vấn bổ sung, nâng cao các kiến thức chuyên môn.

Thứ hai, trong mỗi loại tham vấn khác nhau sẽ có kế hoạch tham vấn khác nhau. Có 2 loại chính gồm: Tham vấn cá nhân (Tổ chức trực tiếp giữa thầy cô với cá nhân học sinh); Tham vấn nhóm (Tổ chức các buổi chuyên đề dưới cờ cho từng khối/ toàn trường). Vì tính chất, môi trường cũng như thời lượng có nhiều sự khác biệt, vì vậy đòi hỏi tổ tham vấn phải xem xét kỹ về đối tượng, nội dung, cách thức tham vấn sao cho phù hợp nhất, tránh gây tác dụng ngược lại hay không giải quyết được vấn đề của các em.

Tham vấn nói chung là một công việc không dễ dàng. Để tiếp cận và khai thác được hết các chi tiết trong vấn đề của thân chủ là cả một quá trình, sẽ có những trường hợp thân chủ giải quyết được vấn đề trong vài buổi nhưng cũng sẽ có những trường hợp kéo dài nhiều năm liền. Trước các buổi tham vấn, kế hoạch là kim chỉ nam dẫn nhà tham vấn đi theo hướng mình đã xây dựng với các kết quả được dự đoán trước thông qua thực tế. Và bản báo cáo sau các buổi tham vấn là phương tiện để xác định phương hướng trong các buổi tham vấn tiếp theo.

Buổi chuyên đề kết thúc cũng đồng nghĩa với việc chương trình tập huấn sẽ khép lại. Viện lấy làm vinh hạnh khi được sự tin tưởng của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông giao trách nhiệm tổ chức chương trình lần này. Sự thành công của 6 chuyên đề vừa qua là kết quả của sự nhiệt tình từ các Báo cáo viên và tinh thần học tập, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn của Quý thầy cô giáo trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. 

"Tất cả vì đàn em thân yêu, cùng hướng đến mục tiêu “Học sinh đất sen hồng tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai”.

Duyên Kiều

  

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069