CHUYÊN ĐỀ 2: "LIỆU TRÌNH THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG" TRONG CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN DÀNH CHO THẦY CÔ GIÁO HUYỆN TAM NÔNG, TỈNH ĐỒNG THÁP

Nhằm giúp các giáo viên có cơ hội tiếp xúc với tham vấn tâm lý học đường cũng như tháo gỡ những vướng mắc, nghi vấn, những đặc điểm tâm lý, những nhu cầu và đời sống tình cảm… học sinh ở các lứa tuổi. Từ đó thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với học sinh, đề xuất những giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngày 16 tháng 10 năm 2021 vừa qua, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp tổ chức thành công buổi tập huấn “Liệu trình tâm lý học đường” do Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh phụ trách với sự tham gia nhiệt tình của hơn 200 thầy, cô đến từ các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Tam Nông.

Có thể nói hiểu rõ về tâm lý học đường, tâm lý lứa tuổi là một trong những điều kiện hết sức quan trọng đối với giáo viên, đặc biệt là ở các cấp Tiểu học và THCS. Bởi vì trong giai đoạn này trẻ đã dần ý thức được tư tưởng, hình thành cái “tôi” trong suy nghĩ và hành động. Chưa kể đến giai đoạn từ 8-12 tuổi là giai đoạn đặc biệt nhạy cảm về mặt tâm - sinh lý, vì các em đang chuẩn bị bước sang giai đoạn dậy thì, chưa trưởng thành trong suy nghĩ, có những rối loạn về tình cảm, dễ xuất hiện những rung động đầu đời.

Ảnh: Các thầy cô giáo tham gia tương tác cùng Báo cáo viên

1. Vậy thì “Tâm lý học đường” là gì?

Theo các nhà tâm lý học, tâm lý học học đường là một lĩnh vực áp dụng các nguyên tắc của tâm lý giáo dục, tâm lý học phát triển, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học cộng đồng và phân tích hành vi ứng dụng để đáp ứng nhu cầu học tập và sức khỏe hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên theo cách hợp tác với các nhà giáo dục và phụ huynh. Các nhà tham vấn tâm lý học đường được giáo dục về tâm lý học, sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên, tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên, giáo dục, thực hành gia đình và nuôi dạy con cái, lý thuyết học tập và lý thuyết nhân cách. Họ có kiến thức về giảng dạy hiệu quả và trường học hiệu quả. Họ được đào tạo để thực hiện xét nghiệm tâm lý và đánh giá tâm lý, tư vấn và tư vấn, và trong các quy tắc đạo đức, pháp lý và hành chính của nghề nghiệp của họ.

2. Thực trạng tâm lý trẻ em trong các năm gần đây

Thực tế cho thấy có rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra gây tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Chắc chắn sẽ có rất nhiều bậc phụ huynh và giáo viên trở nên hoảng sợ sau khi đọc một số kết quả khảo sát qua nhiều năm dưới đây:

1. Khoảng 20% bé gái (1/5) và 8% bé trai (1/12,5) bị xâm hại tình dục trước tuổi 18. (Pereda và các cộng sự, 2009)

2. 95% những trẻ bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một người chúng biết và tin tưởng. (NAPCAN 2009)

3. 73% trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ không nói với bất cứ ai về sự việc này trong ít nhất 1 năm. 45% sẽ không nói với ai trong 5 năm. Một số em sẽ không bao giờ tiết lộ sự thật. (Broman-Fulks và các cộng sự, 2007)

4. Hành vi bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp của nam giới và củng cố nam tính. Hành vi như vậy bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy.

Đối với các em gái là nạn nhân của các vụ việc xâm hại tình dục, sự đau đớn về thể chất lẫn tinh thần sẽ còn ám ảnh các em lâu dài trong cuộc sống. Còn đối với các bé trai là nạn nhân của bạo lực gia đình, thường sẽ trở thành những bản sao của các hành vi bạo lực ấy. Nếu các thế hệ con em ta đang chịu tổn thương về tâm-sinh lý mà gia đình, nhà trường, xã hội không kịp thời phát hiện và giúp đỡ thì tương lai của một đất nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, văn minh, công bằng, bình đẳng sẽ đi đến đâu?

“Giá như giới trẻ nhận ra họ sẽ sớm trở thành một mớ thói quen di động nhanh như thế nào, họ sẽ cẩn thận hơn trong hành động của mình khi vẫn còn là chất dẻo.” - William James –

 

Ảnh: Nhận xét, đánh giá của các thầy cô khi tham gia chuyên đề

3. Những đặc điểm tâm lý trong từng giai đoạn phát triển

Đời sống tâm lý cũng giống như thể chất của con người, từ khi mới hình thành đến khi chết, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn là một sự đánh dấu những biến đổi cả về chất và lượng của cả cơ thể. Chính vì thế, để có thể đưa ra những phương án giải quyết hiệu quả thì người lớn (có thể gọi là một nhà tham vấn) cần tìm hiểu quá trình phát triển của con em mình để biết chúng thiếu xót những gì, cảm nhận được những suy nghĩ của trẻ, hiểu được nguyên nhân của vấn đề thì mới có thể tháo gỡ vướng mắc. Chính vì thế, trong buổi tập huấn TS. Nguyễn Thị Minh đã chỉ ra những đặc điểm tâm lý phổ biến trong từng giai đoạn phát triển của con người.

  • Hài nhi (2 – 12 tháng): Giao lưu cảm xúc trực tiếp với người lớn (mẹ). Động tác biểu cảm phát triển

  • Vườn trẻ (1 - 3 tuổi): Tập trung và tiếp xúc nhiều với những đồ vật xung quanh (có đối tượng). Bắt chước - Phân biệt mình với người khác - Ưa nói

  • Mẫu giáo (3 – 6 tuổi): Vui chơi, thích trở thành những nhân vật xung quanh hay trong trí tưởng tượng (đóng vai theo chủ đề). Xuất hiện ý muốn tự khẳng định, muốn làm người lớn, nhạy cảm…

  • Nhi đồng (6 – 12 tuổi): Học tập. Xuất hiện khả năng tự điều chỉnh hành vi, tự đánh giá.

  • Thiếu niên – THCS (12 - 15 tuổi): Giao lưu bè bạn + Học tập. Tự ý thức phát triển, tự đánh giá, tự khẳng định phát triển

  • Đầu thanh niên – THPT (15 – 18 tuổi): Học tập hướng nghiệp. Tự ý thức, cái tôi tiếp tục phát triển

  • Thanh niên sinh viên (18 – 25 tuổi): Chuẩn bị nghề (học nghề). Tự khẳng định, ước mơ, lý tưởng phát triển mạnh

  • Trưởng thành (25 – 40 tuổi): Lập thân, lập nghiệp - Bộc lộ bản sắc riêng. Lao động, hoạt động xã hội

  • Trung niên (40 – 55 tuổi): Lao động, hoạt động xã hội. Hướng tới con cái, gia đình

  • Người già - về hưu (55 tuổi trở về sau): Nghỉ ngơi. Không thích sự thay đổi, thích yên tĩnh, nhẹ nhàng

Thực tế cho thấy, một số trẻ từ khoảng 0 - 12 tháng ít được chăm sóc hay ít tiếp xúc da thịt với người mẹ thì khi lớn lên rất dễ nhạy cảm và dễ tổn thương tâm lý. Do đó khi gặp bất cứ hành động thô bạo hay lời nói tàn độc nào của những người xung quanh thì sẽ để lại trong tâm trí của các em những kí ức khó phai mờ. Hay đối với những bạn nhỏ được chăm sóc, nâng niu từ thuở bé, vô cùng ngoan ngoãn và chưa từng hành động trái với suy nghĩ của mẹ hoặc người thân, thì lại dễ rơi vào trạng thái “mơ hồ” trước những ngưỡng cửa quan trọng của cuộc sống. Qua đó, cô Minh cũng khẳng định: “Để đưa ra những phương pháp tham vấn phù hợp thì chính bản thân thầy, cô giáo cần hiểu rõ quá trình phát triển từ thuở thơ ấu của các em, những biến cố trong quá khứ dẫn đến những mặc cảm, trở ngại về tâm lý của hiện tại”.

“Nếu muốn giáo dục con người về mọi mặt thì trước hết giáo dục học phải hiểu biết con người về mọi mặt” - K.Đ. Usinxki

 Ảnh: Nhận xét, đánh giá của các thầy cô khi tham gia chuyên đề

4. Trách nhiệm của Nhà trường và Giáo viên trong hoạt động tham vấn tâm lý học đường

Mỗi giai đoạn phát triển đều gặp những trở ngại tâm lý thầm kín khác nhau, mà không phải ai cũng có thể nhận biết và chữa lành kể cả người thân và gia đình. Như vậy nhà trường và giáo viên cần có giải pháp gì để giúp các em học sinh có thể thoải mái chia sẻ những câu chuyện của bản thân, giải đáp cho các em về sự lo lắng trước những thay đổi cảm xúc, sự phát triển cơ thể của bản thân tuổi dậy thì, được tư vấn để tự giải quyết các rắc rối trong tình bạn, mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, chuyển hóa sự tức giận..

* Về phía nhà trường:

  • Lập một phòng Tham vấn tâm lý học đường nhằm tạo ra một không gian an toàn, nơi học sinh có thể tìm đến mỗi khi các em gặp khúc mắc, căng thẳng hay lo lắng trong cuộc sống. Đồng thời là địa điểm tin cậy dành cho phụ huynh, giáo viên chia sẻ những khó khăn trong quá trình tương tác với các em và hỗ trợ các em thành công trong trường học;

  • Tổ chức các buổi đào tạo, hội thảo dành cho cha mẹ học sinh về tâm lý trẻ em - vị thành niên và các kĩ năng làm cha mẹ;

  • Xây dựng và thực hành chương trình phòng ngừa các vấn đề tâm lý trường học cho học sinh, giáo viên dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế.

* Về phía Giáo viên:

  • Tham vấn tâm lý cá nhân và tham vấn nhóm cho học sinh gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần, học tập, cảm xúc, tương tác xã hội;

  • Giảng dạy, trang bị các kĩ năng sống thiết yếu cho học sinh có năng lực giải quyết các vấn đề thường ngày trong cuộc sống;

  • Cung cấp, giới thiệu, chia sẻ những thông tin và nguồn lực hữu ích cho phụ huynh về tâm lý trẻ em;

  • Cố vấn và phối hợp với gia đình, giáo viên, Ban lãnh đạo nhà trường trong việc tìm kiếm giải pháp đáp ứng các nhu cầu và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh;

  • Kịp thời phát hiện những trạng thái tâm lý khác thường, mối quan hệ mâu thuẫn của các học sinh;

  • Song song việc tư vấn tâm lý, giáo viên cần có kế hoạch giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho từng em. Về mặt tinh thần, thường xuyên hỏi thăm, động viên những em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, tình cảm và phối hợp với các đoàn thể có giải pháp thiết thực giúp các em.

  • Làm việc với phương châm: chủ động tìm đến các em để tham vấn, đừng để các em phải tìm đến tham vấn.

 

 

Anh Tuyết

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069