CHUYÊN ĐỀ 1: LIỆU TRÌNH TÂM LÝ HỌC TRONG GIAO TIẾP KHÓA HỌC "TRỞ THÀNH GIẢNG VIÊN KỸ NĂNG MỀM"

 

Giao tiếp như thế nào để phù hợp với các đối tượng khác nhau là một câu chuyện muôn thuở mà trong mỗi người chúng ta ai cũng boăn khoăn ít nhất 1 lần, đặc biệt là trong công tác giảng dạy cho nhiều nhóm học viên khác nhau. Vì vậy, để có thể gỡ rối cho câu hỏi này, vào thứ 2 ngày 27/9/2021, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã tổ chức chuyên đề “Liệu trình tâm lý học trong giao tiếp” dưới sự giảng dạy của ThS. BS. Phạm Văn Giào của khóa học “Trở thành giảng viên kỹ năng mềm” khóa I.

Ảnh: Internet

Trong quá trình diễn ra lớp học, bằng sự nhiệt tình và kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng mềm của mình, thầy Giào đã giúp cho các anh/chị học viên tham gia lớp học có thể biết được những kiến thức bổ ích về tâm lý học trong giao tiếp. Đặc biệt, thầy đã chia sẻ với cả lớp biết được 3 phong cách giao tiếp phổ biến trong xã hội nhưng chúng ta lại không chú ý đến, 3 phong cách giao tiếp phổ biến bao gồm:

+ Phong cách giao tiếp dân chủ: thể hiện của phong cách này là luôn tôn trọng nhân cách mọi người,ứng xử tinh tế, nhẹ nhàng dễ tạo nên bầu không khí thân mật, gần gũi, tin cậy lẫn nhau. Phong cách này giải không tạo ra sức ép cho người khác, làm đầu óc con người tỉnh táo, mang lại những hiệu quả lớn trong công việc. Đồng thời nó đã và đang được hình thành, phát triển và được xã hội ủng hộ vì nó đưa con người dần đến văn minh, tiến bộ, hạnh phúc.

Ảnh: Internet

Để phong cách giao tiếp dân chủ có thể phát huy tính hiệu quả nêu trên, ta cần lưu ý các vấn đề sau:

- Thứ nhất: tôn trọng phẩm giá, tâm tư, nguyện vọng của nhau, đừng ép buộc nhau bằng uy lực mà hãy bằng uy tín thực sự của mình. Trước tiên, hãy tự đặt mình vào vị trí của người khác, chớ làm điều mà chính mình không thích người ta đối với mình, đừng có tỏ ra “ta đây”, tự cho mình hơn người vì như thế sẽ chẳng bao giờ tạo được thiện cảm, không tạo được thiện cảm sẽ làm cho người khác không bộc lộ phản ứng thật của họ.

- Thứ hai: hãy giao tiếp thường xuyên với nhau để nắm bắt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, lý lẽ của nhau. Muốn vậy, cần biết cách nói và biết cách lắng nghe. Khi nói, cần lời chân thật, giọng điệu ôn hòa, êm dịu, kiêng kỵ lời thô lỗ, sỉ vả nhau. Nghe thì cũng nghe cho hết ý với thái độ trân trọng, chăm chú, chớ bỏ nửa chừng, ngắt lời giữa quảng, tranh nói. Điều gì chưa rõ, chớ đừng vội vàng gạt đi, cần đề nghị đối phương nói lại. Khi gặp người lắm điều, ăn nói lung tung, càng cần phải ôn tồn đề nghị nói đúng trọng tâm để có quyết định thích hợp trong ứng xử.

- Thứ ba: hãy cùng bàn bạc để tìm ra những điểm chung, thống nhất nhau. Bàn bạc để thấy rõ quan điểm đúng sai, biết nhân nhượng nhau để giải quyết vấn đề chung tốt nhất. Mỗi người đều có cái lý của mình nhưng không phải mọi cái lý của mình đều đúng và hợp người, hợp cảnh,  hợp vấn đề mà phải tìm cái lý phục vụ cho lợi ích chung.

+ Phong cách giao tiếp độc đoán: là loại phong cách mà người trên đối xử với kẻ dưới, thường không có sự tôn trọng, tạo ra những khoảng cách về tâm lý giữa người với người. Phong cách độc đoán gây ức chế tâm lý, kềm hãm sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập của đối phương. Phong cách này chỉ được dùng trong một số trường hợp đặc biệt trong quản lý như: trong thời chiến hoặc tình huống thiên tai khẩn cấp, … nhưng ngoài những tình huống kể trên thì tốt nhất đừng sử dụng phong cách này trong giao tiếp, dễ gây bất bình trong nội bộ và ngoài quần chúng.

Ảnh: Internet

+ Phong cách giao tiếp tự do: ưu điểm của phong cách này là phát huy tính tích cực của người nói, làm cho mọi người được thoải mái, kích thích sự sáng tạo của cấp dưới trong công việc. Nhưng phong cách này lại đòi hỏi các chủ thể giao tiếp phải có trình độ nhận thức cao, tính trách nhiệm, ý thức tập thể cao, nếu không sẽ dễ nảy sinh tự do quá trớn, phá hỏng kỷ luật, vô tổ chức.

Thế giới tâm hồn con người vô cùng phong phú và đầy phức tạp, do vậy, không thể có một phong cách giao tiếp tối ưu cho mọi trường hợp, dù đó là phong cách giao tiếp dân chủ. Để vận dụng thành công phong cách giao tiếp cần một sự am hiểu con người sâu sắc, một bản lĩnh, kinh nghiệm sống phong phú của các anh/chị học viên, Viện mong rằng, sau buổi học, các anh/chị có thể áp dụng những bài học về kỹ năng giao tiếp để áp dụng vào bài giảng của mình một cách khéo léo vì lợi ích chung, vì sự văn minh, tiến bộ, hạnh phúc của các bạn học sinh/ sinh viên nói riêng và của xã hội nói chung

 Thanh Hoàng

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069