CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN "NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG THAM VẤN TÂM LÝ TRONG NHÀ TRƯỜNG" TẠI KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ

Trong bối cảnh hậu COVID cùng nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà các vấn đề về tâm lý con người có nhiều sự thay đổi, hình thành nên những khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, những lo lắng, bất an, stress và nặng nhất là trầm cảm. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có những vấn đề khác nhau với nguyên nhân và phương pháp giải quyết riêng biệt. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc can thiệp kịp thời vào các vấn đề về tâm sinh lý của học sinh, sinh viên các cấp từ Mầm non đến Cao đẳng, Đại học; góp phần bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng của hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường nói riêng và hoạt động tham vấn tâm lý nói chung, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục xây dựng Kế hoạch tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường” với sự tham gia của hơn 300 học viên là cán bộ quản lý; giáo viên; giảng viên; nhân viên y tế; cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội trong trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; cán bộ phụ trách tham vấn tâm lý trong trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, cán bộ nhân viên tại các công ty doanh nghiệp vào ngày 13 tháng 8 năm 2022 tại trường Đại học Công nghệ HUTECH.

                                                                                

Đến với chương trình tập huấn, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục vinh dự được đón tiếp Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. GS.TSKH. Nguyễn Thành Đạo – Chủ tích Hội đồng Khoa học. ThS. BS. Phạm Văn Giào – Viện trưởng. TS. Bùi Văn Thế Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ HUTECH. BS.CKI. Lê Nữ Anh Mai – Phó Viện trưởng. ThS. Phạm Kế Thuận – Phó Viện trưởng. ThS. Lê Thế Hiển – Tổng Thư ký Hội đồng Khoa học. PGS.TS. Trần Thành Nam- Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN. ThS. Nguyễn Đức Nhân - Trưởng Ban Phát triển Đối tác Doanh nghiệp. Bà Phạm Như Ý -Trưởng ban Tài chính – Kế toán. Ông Phạm Văn Lịch - Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Sự kiện. Đại tá. ThS. Nguyễn Văn Cần - Trưởng Ban Kiểm soát Pháp chế. ThS. Nguyễn Thế Long - Trưởng Ban Biên soạn. Bà Hà Thị Thùy Dung - Trưởng Ban Công tác Xã Hội Bà Tạ Hoàng Uyên Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế; Ông Nguyễn Mai Phúc Thịnh – Phó Tổng Biên tập báo điện tử TUSS.VN. Cùng hơn 300 thầy cô giáo, quý anh chị học viên đến từ các đơn vị Trường học trong khu vực miền Đông Nam Bộ.

                                                

Mở đầu chưởng trình, GS.TSKH. Nguyễn Thành Đạo có đôi lời phát biểu khai mạc, chỉ ra những con số thống kê cụ thể về vấn đề tâm lý con người nói chung và lứa tuối học sinh, sinh viên nói riêng. Thông qua những minh chứng cụ thể ấy có thể thấy rằng, hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường là rất cần thiết, cần được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện phát triển và hoạt động tích cực nhằm phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của nghề. Những khó khăn là điều khó tránh khỏi trong những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động, nhưng không thể vì thế mà bỏ qua các hoạt động khảo sát, tầm soát, đánh giá, theo dõi và hỗ trợ giúp đỡ các trường hợp đặc biệt.

                                                 

Chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường” gồm 3 chuyên đề với các nội dung sau:
Chuyên đề 1: Những nhân tố tác động đến hoạt động tham vấn tâm lý học đường tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp.
Chuyên đề 2: Các vấn đề hiện thời về tâm lý xã hội thanh thiếu niên hiện nay - Tâm lý học giao tiếp và liệu trình tâm lý học thanh thiếu niên, vị thành niên.
Chuyên đề 3: Tổ chức, triển khai kế hoạch tham vấn tâm lý đối với cá nhân và nhóm trong nhà trường.

                                             

Chuyên đề đầu tiên: “Những nhân tố tác động đến hoạt động tham vấn tâm lý học đường tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” được diễn giải bởi PGS.TS. Nguyễn Thành Nam đã mở ra nhiều góc nhìn mới, đặt vấn đề cần được giải quyết và đưa ra một vài những giải pháp tiêu biểu đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua. Hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường không còn là điều xa lạ, Tuy nhiên đâu đó vẫn có những giới hạn nhất định trong quá trình hoạt động, có thể kể đến nhưng năng lực chuyên môn nhà tham vấn, quy trình tham vấn chưa cụ thể hóa, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, về thời gian, về phía học sinh, sinh viên chưa được truyền thông, tiếp cận về hoạt động này tại trường,... Giải pháp được chia sẻ ở đây là gì?

                                           

Tham vấn tâm lý cần có sự kết hợp cùng các cơ quan khác như y tế để xây dựng nên các mô hình hoạt động trong nhà trường được hiệu quả, đúng chức năng và nhiệm vụ. Việc tầm soát, khảo sát sức khỏe tinh thần là rất quan trọng, không chỉ dành cho thời điểm định hướng nghề nghiệp ở các lớp cuối cấp mà còn về vấn đề stress, lo âu, những khó khăn tâm lý ở các mức độ cần được phát hiện và can thiệp kịp thời. Là nhà tham vấn, cán bộ phụ trách phòng tham vấn và các chức vụ tương đương cần không ngừng tiếp thu kiến thức, trau dồi kỹ năng, cập nhật thông tin, chủ động nghiên cứu, triển khi áp dụng các mô trình, quy trình, ứng dụng phù hợp với đơn vị. Hơn nữa, việc tham vấn tâm lý học đường không chỉ hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên mà còn phụ huynh học sinh, họ hàng, bạn bè, thầy cô – những mối quan hệ gần gũi với đối tượng cần tham vấn để có thể tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết hiệu quả nhất.

                                         

Đến với chuyên đề thứ 2 "Các vấn đề hiện thời về tâm lý xã hội thanh thiếu niên hiện nay - Tâm lý học giao tiếp và liệu trình tâm lý học thanh thiếu niên, vị thành niên" TS. Tô Nhi A đã có phần diễn giải chi tiết về những nguyên nhân có thể kể đến khi một học sinh, sinh viên tìm đến nhà tham vấn tâm lý. Việc tìm ra đúng nguyên nhân là cách duy nhất để các em thoát khỏi được những trạng thái tâm lý tiêu cực và có phương án giải quyết phù hợp nhất. Hoạt động tham vấn tâm lý cần đúng đối tượng và vấn đề, không đơn giản chỉ là những hình thức hỏi – đáp, giải thích, phản biện, thuyết phục và đưa ra lời khuyên cụ thể mà không quan tâm đến những nguyên nhân gián tiếp- đây mới là vấn đề. Ví dụ điển hình được TS. Tô Nhi A đưa ra đó là môt học sinh ngoan, được nhiều giáo viên khen nhưng lại liên tục lặp đi lặp lại những lỗi nhỏ như một cách cố tình. Và khi được hỏi về nguyên nhân, bạn ấy nói rằng vì bạn muốn được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, thậm chí là mời phụ huynh lên làm việc. Thực chất bạn này không phải bị tình trạng rơi vào khủng hoảng độ tuổi, hay nảy sinh những bốc đồng nhất thời mà là vì lâu rồi  bạn chưa gặp ba mẹ. Trong trường hợp trên, nếu nguyên nhân được xác định không chuẩn xác thì liệu rằng bạn học sinh này có ngừng những việc làm vô nghĩa đó lại không hay lại tiếp tục để “được” ghi số đầu bài, được sự chú ý.

                                       

Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang ngày càng chú trọng vấn đề phát triển toàn diện, sức khỏe tinh thần trong thời đại hiện nay khi mà điều kiện sống, môi trường của thế hệ trẻ đã có nhiều biến đổi so với thế hệ ba me, ông bà ngày trước. Điều đó dẫn đến những sự khác biệt trong suy nghĩ và hành vi. Và với vai trò là một nhà tham vấn, một cán bộ phụ trách chuyên môn mỗi thầy cô giáo phải nắm bắt được hiện thực thực tế, thay đổi góc nhìn và đặt mình vào vị trí của các em để hiểu được vì sao các em làm như vậy. Và có hai trường hợp phổ biến sẽ xảy ra, hoặc là các em đúng, những suy nghĩ và hành vi của em là phù hợp, mang hướng tích cực, hoặc là em đã cõ những sai lệch, hiểu và nhận thức vấn đề chưa đầy đủ cần thầy cô giáo hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng. Như câu chuyện nghề Freelancer hay điểm số không quan trọng hiện nay.

                                    

Sau khi kết thúc 2 chuyên đề đầu tiên, quý anh chị học viên đã có những góc nhìn khách quan hơn, chi tiết hơn về thực trạng cũng như các giải pháp cụ thể trong hoạt động tham vấn tâm lý học đường.Và những đặc điểm tâm sinh lý, những nguyên nhân tác động đến suy nghĩ và hành vi của các em học sinh, sinh viên để có những định hướng phát triển phù hợp, thiết thực. Và cuối cùng, chuyên đề 3 “Tổ chức, triển khai kế hoạch tham vấn tâm lý đối với cá nhân và nhóm trong nhà trường” ThS. BS. Phạm Văn Giào có những chia sẻ, hướng dẫn sâu hơn về quy trình, tiến trình vận hành hoạt động tham vấn tâm lý, những điểm cần lưu ý khi tham vấn và triển khai xây dựng phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường. Chuyên đề chia làm hai nội dung chính về tham vấn cá nhân và tham vấn nhóm trong nhà trường, nhóm ở đây có thể là gia đình, bạn bè hoặc những mối quan hệ có liên quan đến nan đề của thân chủ. Về tham vấn tâm lý nói chung đặc biệt hạn chế việc đưa cảm xúc, những quan điểm chủ quan vào tiến trình tham vấn, cần phải có quy trình rõ ràng, hồ sơ tham vấn chi tiết, và thông tin phải hoàn toàn bảo mật. Thầy Phạm Văn Giào đã cung cấp tài liệu chi tiết về những chia sẻ trên nhằm phần nào giúp tháo gỡ những khó khăn dễ thấy trong quá trình tìm hiểu, hình thành và xây dựng các hoạt động tham vấn. Chuyên đề đã giải thích các câu hỏi về tiến trình tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm, những điểm cần lưu ý khi xây dựng phòng tham vấn tâm lý, một số phương pháp tiếp cận với học sinh, sinh viên nhằm giảm tính nhạy cảm, e ngại, dè chừng của các em khi đăng ký tham vấn tâm lý tại trường.

                                    

Sau vài giờ ngắn ngủi, chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường” kết thúc trong nhiều cảm xúc khác nhau. Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp đúng theo kế hoạch và nhận được nhiều phản hồi góp ý từ quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo đại điện các đơn trong trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các cá nhân tham gia chương trình. Những ý kiến đóng góp của quý vị là nguồn động lực to lớn giúp các chương trình sắp tới của Viện ngày một chỉnh chu hơn, chuyên nghiệp hơn. Có thể nói rằng, chuỗi 03 chuyên đề vừa qua là một lượng kiến thức lớn để có thể tiếp nhận ngay và luôn, tuy nhiên đây sẽ là nền tảng, là cơ sở để quý thầy cô giáo tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và hình thành nên quy trình riêng, cơ chế riêng cho đơn vị mình.

                                  

Cuối cùng , thay mặt BTC chương trình, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Công nghệ HUTECH đã phối hợp thực hiện, hỗ trợ nhiệt tình trong suốt thời gian chương trình diễn ra. Cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam, TS. Tô Nhi A và ThS. BS. Phạm Văn Giào đã mang nguồn động lực to lớn, nguồn kiến thức sâu rộng và tinh thần nghề nghiệp cao quý đến với chương trình để cùng chia sẻ, cùng thảo luận. Cảm ơn quý vị khách quý, quý vị đại biểu, quý anh chị học viên đã dành sự quan tâm và tham gia chương trình tập huấn. Viện rất vui khi tiếp tục nhận được sự tin tưởng, đồng hành của các cá nhân, tổ chức  trong tương lai.

                                 

Chương trình tập huấn ““Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường” vẫn sẽ tiếp tục tại hai địa điểm tiếp theo

1/ Ngày 20/8/2022 tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Địa chỉ: Số 27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

2/ Ngày 27/8/2022 tại Trường Đại học Tây Đô

Địa chỉ: Số 68 Trần Chiên, Lê Bình, Cái Răng, Cần Thơ

Thông tin chi tiết và cách thức đăng ký: https://www.facebook.com/vientamlygiaoduc/photos/a.101420465433819/396490555926807/

 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069