CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN KHÓA THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG DÀNH CHO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC, THCS, TH - THCS HUYỆN TAM NÔNG, TỈNH ĐỒNG THÁP

Hơn 2 năm qua, cùng với sự đình trệ về mọi mặt do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, trong đó việc học tập và rèn luyện của con em được thực hiện tại gia đình qua hình thức học trực tuyến. Tưởng chừng đó là 1 giải pháp giải quyết cho tình trạng học sinh các cấp không thể đến trường nhưng kéo theo đó có những hệ lụy ngầm đến từ tâm lý của trẻ mà giáo viên và các bậc phụ huynh chưa phát hiên kịp thời dẫn đến những hệ lụy xảy ra. 

Tính tới thời điểm hiện tại, học sinh ở gần 40 tỉnh thành đã không được đến trường gần nửa năm. Học online như là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này nhưng bên cạnh đó vẫn mang lại rất nhiều thách thức và đặc biệt là các vấn đề về tâm lý của các em học sinh. Đã có những tình trạng học sinh né tránh học online vì chưa thích nghi được ở giai đoạn đầu, và cũng rất dễ bị phân tâm khi học trực tuyến. Việc ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài có thể khiến các em học sinh cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Các hành vi chống đối, không mong đợi của các em gia tăng và trở nên trầm trọng hơn khi học ở nhà. 

Ảnh: Internet

Khi còn đi học ở trường, học sinh được tương tác, trao đổi, vui chơi với thầy cô, bạn bè xung quanh. Nhưng khi học online, phải tương tác qua màn hình lạnh lẽo, vô vị, kỹ năng tương tác xã hội của các em bị giảm đi đáng kể dẫn tới tình trạng thiếu tương tác và cảm thấy bị cô lập xã hội. Hiện nay, tâm lý học đường tại nước ta đang là vấn đề vô cùng nhạy cảm và cũng là áp lực rất lớn đối với phía nhà trường, các nhà chức trách cùng hội phụ huynh học sinh. Dựa vào số liệu đã khảo sát sức khỏe định kì cho các em học sinh THCS tại Hà Nội nhận thấy rằng có khoảng 25,7% trên tổng 1.727 em học sinh gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Đặc biệt là tỉ lệ học sinh nữ mắc bệnh lại chiếm phần cao hơn so với học sinh nam. Cũng dựa vào khảo sát này cho thấy có đến 20,6% các học sinh chỉ mới bước vào lớp một đã phải thường xuyên lo lắng quá mức đối với kết quả học tập của bản thân, từ đó dẫn đến tình trạng bệnh trầm cảm.

Theo một nghiên cứu khác được thực hiện trên khoảng 1.314 các em học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 16 tại khoảng 10 tỉnh thành của nước ta nhận thấy có khoảng 9,6% các trẻ gặp phải những bệnh hướng nội ở giai đoạn nhẹ.

Thống kê chi tiết nhận thấy các trường hợp trẻ bị trầm cảm là do nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể có khoảng 16,29% các trẻ thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản về chuyện tình cảm; khoảng 4,1% các trẻ cảm thấy không hài lòng, tự ti về ngoại hình và cơ thể của bản thân; khoảng 2,1% các trẻ có xu hướng sống khép kín, thu mình lại và có khoảng 1,8% các trẻ em nghiện chơi game, các trò chơi điện tử. Đặc biệt vào năm 2000, các chuyên gia cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát lớn với học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 15 đến 18 sinh sống và học tập tại TPHCM. Kết quả nhận thấy rằng:

• Hơn 50% số học sinh thấy mình không được thấu hiểu và đồng cảm

• Hơn 70% rơi vào trạng thái phải đối mặt với một số khó khăn về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó.

• Khoảng 85% số học sinh lựa chọn tâm sự, chia sẻ với bạn bè nhiều hơn là với gia đình, phụ huynh.

• Có đến gần 90% các em học sinh lựa chọn cách tự sát vì cảm thấy cha mẹ không hiểu và thông cảm cho mình.

• Có khoảng 75% học sinh cấp 3 mất định hướng và cảm thấy hoang mang khi đứng trước sự lựa chọn chuyên ngành đại học.

• Khoảng 30% các sinh viên năm nhất cảm thấy bế tắc, chán nản vì sai lầm trong lựa chọn ngành học. Tỉ lệ này tăng lên đến hơn 50% khi sinh viên bước vào năm 2 và năm 3.

• Đến hơn 90% các trường hợp trẻ vị thành niên có những hành vi phạm pháp vì mất phương hướng vì thiếu sự quan tâm của gia đình.

Có một thuật ngữ ra đời trong giai đoạn Covid 19 kéo dài gọi là "Zoom Fatigue" nhằm nói về sự kiệt sức, mệt mỏi sau nhiều giờ học kéo dài. Thuật ngữ này tuy không phải là 1 căn bệnh tâm lý được các chuyên gia chuẩn đoán. Song, với tình trạng thiếu tương tác với mọi người thì cảm giác bị cô lập xã hội đồng thời uể oải, kiệt quệ sức lực do tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính quá lâu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa kể lượng kiến thức và bài tập về nhà trong lúc học trực tuyến cũng tăng lên, càng khiến cho các em học sinh mệt mỏi, đồng thời gồng gánh những áp lực không lời. 

Dạo gần đây trên mạng xã hội, các trang báo điện tử luôn nhận được những tin tức tiêu cực giữa "người dạy" và "người học" như: "Giảng viên đuổi sinh viên khỏi lớp học", "Sinh viên văng tục với giảng viên",... Và chúng xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy đối với các bậc giáo viên tiểu học, trung học cơ sở càng phải quan tâm về vấn đề này nhiều hơn nữa, vì giai đoạn này có những chuyển biến phức tạp về tâm lý và đó cũng chính là lý do Chương trình tập huấn "Khóa tâm lý học đường dành cho giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở, và liên cấp tiểu học - trung học cơ sở" được hình thành.

Mặc dù tư vấn tâm lý học đường đã xuất hiện từ rất lâu nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nhất là những địa điểm giáo dục tại vùng sâu vùng xa của nước ta vẫn chưa có đủ điều kiện để cập nhật thông tin, các hoạt động hỗ trợ học sinh vẫn còn gặp rất nhiều hạn chế. Do đó, tỉ lệ giáo viên và học sinh được tiếp cận tốt với tư vấn học đường là rất thấp, thậm chí là không có.

 

Ảnh: Chương trình tập huấn dành cho giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Tam Nông, Tỉnh Đồng Tháp

Trong khi đó, các vấn đề trong tâm lý học đường ngày nay đang càng gia tăng mạnh mẽ. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà hàng loạt các vấn đề xảy ra như tự sát, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, giết người, trộm cướp, trấn lột,….Trong đó các đối tượng gây án đa phần đều ở độ tuổi học sinh chưa thể chịu trách nhiệm truy cứu hình sự.

Các chuyên gia cho biết rằng, những đối tượng từ khoảng 12 đến 18 tuổi là lứa tuổi nhạy cảm và có nhiều nguy cơ phạm phải sai lầm nhất. Cũng bởi lúc này các em vẫn còn suy nghĩ chưa chín chắn, nhận thức vẫn chưa thực sự đúng chuẩn mực. Trong khi cái tôi của mỗi cá nhân lại quá lớn, dễ dàng hình thành các hành vi sai lầm nếu không được định hình từ sớm.

Minh chứng cụ thể cho điều này đó chính là sự thay đổi rõ rệt của trẻ trong giai đoạn từ cấp 1 sang cấp 2. Hầu hết các trẻ cấp 1 đều rất lễ phép, ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ, những chuyện ở trường lớp đều có thể tâm sự và chia sẻ với phụ huynh. Tuy nhiên, khi các em bước sang cấp 2, đặc biệt là khi học lớp 7, lớp 8 thì sẽ bắt đầu hình thành ranh giới riêng cho bản thân, không muốn chia sẻ hoặc tâm sự những chuyện cá nhân với cha mẹ và thích được làm người lớn.

Hầu hết ở độ tuổi học sinh, các em sẽ thường nhận được sự bao bọc, che chở từ cha mẹ nên chưa thể chủ động trong cuộc sống. Mặt khác, các em phải thường xuyên đối mặt với nhiều căng thẳng, áp lực đến từ việc học tập, gia đình, xã hội, nhà trường, bạn bè,….Hơn thế, xung quanh trẻ còn có hàng loạt các vấn đề cám dỗ, những tệ nạn xã hội, tâm sinh lý, định hướng nghề nghiệp, tình yêu tuổi học trò,…Tuy nhiên, các em thường gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ và giải quyết các vấn đề xảy ra với bản thân, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra các hệ lụy nguy hiểm.

Nếu không được tham vấn tâm lý học đường đúng cách và kịp thời, học sinh có thể dần trở nên khép kín, tách biệt với xã hội nếu gặp phải các vấn đề sang chấn. Bên cạnh đó, tự sát được đánh giá là hệ lụy nghiêm trọng nhất, bởi khi không được chia sẻ, thấu hiểu sẽ khiến các em dần trở nên bế tắc và tuyệt vọng, lâu dần nảy sinh ý định tự sát để tự giải thoát cho chính mình.

Hiểu một cách đơn giản thì tư vấn học đường cũng giống với hình thức tư vấn tâm lý bình thường, tuy nhiên phạm vi hoạt động sẽ được thu hẹp lại trong trường học. Đây là một hoạt động hữu ích dựa trên các cơ sở lý thuyết để có thể giúp cho học sinh có định hướng đúng đắn hơn về những vấn đề riêng tư, xã hội hoặc giúp xác định cụ thể về nghề nghiệp của bản thân trong tương lai.

Hoạt động này không chỉ hỗ trợ tốt cho tâm lý của học sinh mà còn giúp ích rất nhiều cho giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh nhằm nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề có liên quan đến học đường cũng như các mối quan hệ giữa họ với học sinh. Hiện nay, ngoài việc giúp cho các học viên có được định hướng tốt thì tư vấn học đường còn mở rộng thêm nhiều khía cạnh khác nhau.

Thông qua các buổi tham vấn học đường, học viên có thể biết thêm nhiều kỹ năng như bệnh vực, biện hộ, định hướng tương lai, cải thiện tốt việc học tập, nâng cao thành tích cá nhân,…Thực tế thì tham vấn học đường đã có từ rất lâu nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới phổ biến và được quan tâm nhiều tại nước ta.

Tại Việt Nam, tham vấn học đường được chia thành 3 phần chính, đó là tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp và tư vấn học đường căn bản. Các đối tượng chính mà phương pháp này nhắm đến là học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên các cấp, nhân viên văn phòng, cán bộ công chức, viên chức hoặc những cá nhân có niềm đam mê đối với công tác cộng đồng và công tác giáo dục.

Tham vấn tâm lý là một hoạt động hỗ trợ tâm lý rất cần thiết vào thời điểm hiện tại cho các em học sinh. Thậm chí có thể áp dụng cho các bậc phụ huynh cũng như cho chính các giáo viên, giảng viên đang chịu trách nhiệm giảng dạy. Tham vấn giúp cho các em học sinh có thể tự giải quyết được các vấn đề mà bản thân đang gặp phải, hạn chế các cảm giác tiêu cực trong quá trình học tập, tránh tình trạng thiếu tương tác trực tuyến và cô lập xã hội, cải thiện mối quan hệ thầy - trò tưởng chừng như xa cách bởi màn hình máy tính đồng thời giúp các bậc giảng viên, giáo viên hiểu thêm về tâm lý học sinh của mình hơn. 

Thấy được những yếu tố cần thiết đó, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã phối hợp cùng với Phòng Giáo dục và Đào tạo đã cho ra đời chương trình bồi dưỡng: "Khóa tham vấn tâm lý học đường dành cho giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, TH - THCS". Với mục tiêu chung là giúp các giáo viên có thể phương pháp và tìm hiểu về những vấn đề mà học sinh của mình đang mắc phải và giúp đỡ các em vượt qua và có thể tự giải quyết các vấn đề của chính mình. 

Quyết định thành lập văn phòng tham vấn tâm lý tại huyện Tam Nông là một trong những mục tiêu chung mà Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục hướng tới. Để có thể là nơi tin cậy để các em học sinh nói riêng và cho mọi người mọi lứa tuổi nói chung có thể giãi bày tâm tư, tình cảm, giải đáp những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các em. Viện rất hy vọng có thể trở thành một chỗ dựa vững chắc, là nơi mọi người có thể tìm đến và chia sẻ cũng như cam kết hoàn toàn bảo mật thông tin thân chủ.

Ảnh: Buổi tập huấn đầu tiên

 Nội dung bồi dưỡng: theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng và chống bạo lực học đường; Quyết định số 1867/ QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc ban hành chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh. Cụ thể:

Các vấn đề chung về tham vấn tâm lý học đường: Liệu trình tham vấn tâm lý học đường; đạo đức trong tham vấn tâm lý học đường; các kỹ năng: đặt câu hỏi, lắng nghe, phản hồi, thấu cảm, xứ lý im lặng, giao bài tập, theo dõi, kiểm tra; nội dung, hình thức, mô hình hoạt động, tiến trình tham vấn tâm lý học đường và kỹ năng tham vấn tâm lý học đường cơ bản; đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh, những khó khăn tâm lý thường gặp và nhu cầu tham vấn tâm lý học đường.

Nội dung chương trình thể hiện qua các chuyên đề:

Chuyên đề 1: Tổng quan về tham vấn tâm lý

Chuyên đề 2: Liệu trình tâm lý học đường 

Chuyên đề 3: Liệu trình tâm lý học thanh thiếu niên, vị thành niên

Chuyên đề 4: Tâm lý học giao tiếp 

Chuyên đề 5: Kỹ năng tham vấn qua điện thoại và Internet

Chuyên đề 6: Kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường.

Thông qua 6 chuyên đề tương ứng với 6 buổi học của chương trình bồi dưỡng, Viện hy vọng có thể giúp các bậc giáo viên học được cách làm chủ công nghệ, xử lý các vấn đề phát sinh ngoài ý muốn cũng như cách điều chỉnh tâm lý, giữ tâm thế thoải mái với học sinh, tôn trọng học sinh và luôn hướng đến thái độ tích cực vì ngay cả chính giáo viên cũng có nguy cơ đối mặt với các áp lực tâm lý khi công việc không được hiệu quả như mong đợi, lo lắng hoặc căng thẳng do công việc. Từ đó có thể tìm hướng giải quyết và hiểu các học sinh của mình hơn.

Tất cả vì đàn em thân yêu, cùng hướng đến mục tiêu “Học sinh đất sen hồng tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai."

Diễm Hồng

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069