"Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện ."
Vijaya Lakshmi Pandit
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, Kỹ năng mềm là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của một con người. Ngoài các kỹ năng cứng (các kiến thức chuyên môn) đã được đào tạo trên giảng đường, các bạn cần trang bị cho mình một số kỹ năng mềm cần thiết để có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng và tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực bản thân. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mỗi năm số lượng sinh viên ra trường rất nhiều nhưng điều này lại tỷ lệ nghich với tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm phù hợp với sở thích, đúng với chuyên ngành mình đã học. Vậy, cần phải làm gì để thay đổi thực trạng này?
Với mục đích thực hiện chương trình Giáo dục, Đào tạo và Rèn luyện Kỹ năng mềm cho các em học sinh, sinh viên, giúp các bạn phát triển toàn diện và phát huy được sức mạnh sáng tạo tiềm ẩn của mình, ngày 29 tháng 09 năm 2020, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh (EBM) đã có buổi gặp mặt và trao đổi cùng trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh về công tác giáo dục kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên.
Chương trình đã diễn ra với những nội dung sau:
1. Tuyên bố lý do.
2. Giới thiệu Đại biểu, thành phần tham dự.
3. Thông qua chương trình nội dung làm việc.
4. Phát biểu chào mừng của Đại diện lãnh đạo nhà trường.
5. Phát biểu Đại diện EBM.
6. Giới thiệu trình bày kế hoạch phối hợp của EBM về nội dung chương trình làm việc.
7. Phát biểu của 2 bên, trao đổi các nội dung chính.
8. Ký kết bản ghi nhớ làm việc.
9. Kết thúc, chụp ảnh lưu niệm.
Toàn cảnh chương trình
Đại diện các bên tham dự gồm có:
Về phía Hội đồng EBM:
Từ trái qua: ông Nguyễn Văn Cần, ông Phạm Văn Giào và bà Trần Thị Thiện
Về phía Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, tham dự và góp mặt gồm có:
Ths. Phạm Tuấn Hiệp cùng Ds. Nguyễn Trí Hòa và Cn. Lưu Tấn Lực
Theo ông Phạm Văn Giào, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Khoa giáo dục Kỹ năng mềm, để thành công truyền tải các kiến thức kỹ năng mềm đến các bạn, cần hội tụ đủ 2 yếu tố: Đối tượng giảng dạy và Phương thức tổ chức hoạt động giảng dạy. Việc diễn giả quá tập trung vào bản thân sẽ giảm đi sự chú ý của các học viên; đồng thời hoạt động giảng dạy được tổ chức không phù hợp cũng là một trong các nguyên nhân gây giảm hứng thú học hỏi ở người học.
Để giải đáp những băn khoăn của nhà trường trong công tác giáo dục và rèn luyện kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên, thay mặt Viện, ông Giào đã trình bày: Với đội ngũ chuyên gia, bác sỹ là các Tiến sỹ, Thạc sỹ chuyên ngành Tâm lý học và các giảng huấn viên được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản, Khoa Giáo dục Kỹ năng mềm không chỉ chú trọng đến giáo dục và rèn luyện các kỹ năng xã hội mà còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển, giáo dục nâng cao nhận thức trong lĩnh vực tâm – sinh lý cho các em học sinh, sinh viên. Trong tổng số 22 chuyên đề, nhà trường có thể tự do lựa chọn 05 chuyên đề, tổ chức thành các buổi hoạt động ngoại khóa cho các bạn học sinh, sinh viên mà không cần phải chi trả các khoản phí thỉnh giảng kèm theo. Thời lượng và địa điểm bồi dưỡng sẽ do phía nhà trường bố trí, sắp xếp.
Thay mặt Viện, ông Phạm Văn Giào lắng nghe và trao đổi cùng các đại diện nhà trường
Về công tác tham vấn, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh đề xuất với nhà trường mô hình tham vấn tâm lý giấu mặt. Ưu điểm của mô hình này thể hiện ở quyền bảo mật về thông tin cá nhân của người được tham vấn. Cụ thể, nhà tham vấn và người đề xuất tham vấn sẽ không nhìn thấy mặt nhau, tôn trọng các quyền riêng tư của các bên.
Sau những phút giây bàn bạc, thảo luận sôi nổi, đại diện các bên đã cùng thống nhất các nội dung sau:
-Thiết lập mối quan hệ đối tác giữa Viện Nghiên cứu giáo dục và Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh;
-Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh sẽ tiếp tục thực hiện kiện toàn về cơ sở pháp lý và phương án kinh phí gửi Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, chọn ngày ký kết, phối hợp chương trình giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên.
Đại diện các bên cùng chụp hình lưu niệm
Thanh Trúc