CHUỖI CHUYÊN ĐỀ KỸ NĂNG MỀM DÀNH CHO SINH VIÊN TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 19 tháng 03 năm 2023 Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục đã tổ chức thành công buổi lễ Khai giảng khóa học Giáo dục kỹ năng mềm dành cho sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành báo cáo chuỗi 4 chuyên đề kỹ năng do ThS.BS. Phạm Văn Giào phụ trách, đã mang đến cho những sinh viên đang theo học tại Trường những kiến thức, kỹ năng vô cùng thú vị và bổ ích.


Hai chuyên đề đầu tiên “Kỹ năng giao tiếp - ứng xử” và “Phương pháp thuyết trình” - mở đầu cho chuỗi chuyên đề Giáo dục kỹ năng mềm tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Giao tiếp là hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa con người với con người. Trong quá trình đó, các bên tham gia tạo ra hoặc chia sẻ thông tin, cảm xúc với nhau nhằm đạt được mục đích giao tiếp. Ứng xử là cách thức con người lựa chọn để đối xử với nhau trong giao tiếp sao cho phù hợp và hiệu quả; Là phản ứng của con người khi nhận được cách đối xử của người khác, trong những tình huống cụ thể. Kỹ năng giao tiếp chính là khả năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ lời nói, chữ viết hoặc cơ thể để diễn đạt suy nghĩ, ý kiến, cảm nhận một cách rõ ràng và có tính thuyết phục, thúc đẩy được giao tiếp hai chiều. Kỹ năng giao tiếp được hình thành khi bạn biết cách ứng xử khéo léo trong mọi tình huống dù là bất ngờ nhất. Đây chính là công cụ giúp gắn kết mọi người và tạo nên những giá trị to lớn khác.

(Nguồn: Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục)

Đây là kỹ năng cơ bản nhưng cực kỳ cần thiết đối với sinh viên trong cuộc sống hàng ngày: giao tiếp với thầy cô, bạn bè; với nhóm học tập trên trường, giao tiếp với đồng nghiệp trong công việc, với mọi người xung quanh và trong xã hội… Hiểu rõ tầm quan trọng của việc giao tiếp, ThS.BS. Phạm Văn Giào đã đưa "Kỹ năng giao tiếp - ứng xử" mở màn cho chuỗi chuyên đề kỹ năng mềm dành cho các bạn học sinh, sinh viên. Cũng trong chuyên đề, Thầy Giào cũng chia sẻ về cách phát âm chuẩn, cách nói lời từ chối, cách cho lời khen một cách phù hợp, cúi chào và bắt tay đúng cách; cùng những cách ghi điểm khi giao tiếp với người khác như: trang phục, thái độ, tâm trạng,ánh mắt… Các học sinh, sinh viên Trường đã có một buổi sáng học tập hiệu quả, thể hiện qua việc cuối chuyên đề hơn 200 học sinh, sinh viên đã thực hiện nghi lễ cúi chào cùng báo cáo viên một cách trang trọng nhất.

(Nguồn: Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục)

Sau chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp - ứng xử” là chuyên đề “Phương pháp thuyết trình” cũng được sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng được các bạn học sinh, sinh viên đặc biệt quan tâm. Về bản chất, thuyết trình là trình bày một cách hệ thống và rõ ràng một vấn đề trước đông người. Hiểu một cách đơn giản, thuyết trình là trình bày trước nhiều người về một vấn đề nhằm mục đích thuyết phục, cung cấp thông tin hoặc tạo sức ảnh hưởng cho người nghe. Trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, công việc, học tập, kỹ năng trình bày các ý kiến, quan điểm trước đám đông là một kỹ năng không thể thiếu. Khi đó, kỹ năng thuyết trình là vấn đề “mấu chốt” giúp bản thân thuyết phục, giải thích và tạo động lực cho những người xung quanh. Đặc biệt trong học tập không thể thiếu hình thức thuyết trình như: giảng viên thuyết trình về bài giảng của mình hay sinh viên thuyết trình về một đề tài, bài học nào đó theo yêu cầu của giảng viên đưa ra bằng hình thức cá nhân hoặc nhóm. Thuyết trình diễn ra hằng ngày trong đời sống của sinh viên, thế nhưng làm thế nào để có một bài thuyết trình hoàn hảo và đúng cách thì không phải ai cũng có thể dễ dàng thực hiện được. Vậy một bài thuyết trình đúng chuẩn và hoàn hảo thì sẽ như thế nào? Đó chính là nội dung mà Thầy Phạm Văn Giào muốn chia sẻ đến với học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Qua chuyên đề này, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục mong muốn học sinh, sinh viên của Trường hiểu rõ và xây dựng cho chính bản thân mình một kỹ năng thuyết trình hoàn hảo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần hoàn thiện mình để ngày một tốt hơn.

(Nguồn: Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục)

Tiếp nối chuyên đề "Phương pháp thuyết trình", ThS.BS. Phạm Văn Giào trong vai trò báo cáo viên tiếp tục đem đến cho học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chuyên đề về " Kỹ năng lắng nghe". Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn phải "nghe", vậy “nghe” và “lắng nghe” khác nhau như thế nào? Nghe là một quá trình thụ động chỉ việc chúng ta tiếp nhận mọi loại âm thanh qua đường thính giác. Còn lắng nghe là một quá trình chủ động, tập trung và mong muốn thấu hiểu mọi nội dung của người nói. Lắng nghe là một kỹ năng cần phải rèn luyện trong một thời gian dài mới có thể thành thạo. Ngạn ngữ Nga có câu: “Con người mất ba năm để học nói nhưng phải mất cả cuộc đời để lắng nghe”. Kỹ năng lắng nghe đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, chiếm đến 53% thời gian giao tiếp. Kỹ năng lắng nghe không chỉ áp dụng vào môi trường làm việc mà còn áp dụng vào đời sống gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Và kỹ năng lắng nghe là một kỹ năng mềm mà bất cứ một doanh nghiệp, công ty nào cũng yêu cầu có ở nhân viên hoặc ứng viên của mình.

(Nguồn: Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục)

Mặc dù nghe là một phản xạ của con người, nhưng lắng nghe là một kỹ năng cần phải rèn luyện trong thời gian dài. Khả năng lắng nghe ở mỗi người khác nhau qua đó thể hiện được sự tập trung, sự hiểu biết và nhìn nhận vấn đề cũng như cách tư duy của người đó ở mọi khía cạnh cuộc sống. Qua chuyên đề này, Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục muốn truyền tải đến cho học sinh, sinh viên của Trường các cách để lắng nghe hiệu quả cũng như rèn luyện kỹ năng nghe cho chính bản thân mỗi người. Bài giảng chỉ có một nhưng hiệu quả tiếp thu của mỗi học sinh, sinh viên là không giống nhau nên cách rèn luyện cũng như kết quả đạt được không như nhau; IAPE hy vọng chuyên đề lần này như một “ngọn đuốc” để cho các bạn không lạc lối trên con đường phát triển kỹ năng nghe của bản thân, và đạt được một kết quả như mong đợi.

(Nguồn: Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục)

Sau chuyên đề “Kỹ năng lắng nghe” là hai chuyên đề “Quản lý bản thân” và “Tinh thần tự tôn”. Qua hai chuyên đề này, ThS.BS. Phạm Văn Giào muốn truyền tải đến học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh việc phát triển bản thân theo một cách riêng và mang một nét riêng khó có thể trùng lặp hay hòa lẫn với cái chung của xã hội nhưng vẫn không trái với đạo đức và pháp luật quy định. Chính bản thân mỗi người là một mảnh ghép không giống nhau ghép chung mới tạo nên một bước tranh xã hội đa màu sắc. Việc xây dựng và khẳng định bản thân cũng là một kỹ năng cần học hỏi và phát triển lâu dài, giúp ích trên con đường sự nghiệp sau này.

(Nguồn: Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục)

Trong ngày 19 tháng 03 năm 2023, học sinh - sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bốn chuyên đề kỹ năng mềm từ ThS.BS. Viện trưởng Phạm Văn Giào trong chuỗi chuyên đề kỹ năng dành cho sinh viên. Những kỹ năng này sẽ hỗ trợ sinh viên trong cuộc sống hàng ngày cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau này. Đồng thời giúp cho sinh viên có phương pháp, kỹ năng học tập đúng đắn và hiệu quả nhằm gặt hái được thành quả tốt nhất và tối ưu nhất.

Thảo Hiền - IAPE

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069