BUỔI GẶP MẶT VÀ LÀM VIỆC CÙNG TRƯỜNG SƯ PHẠM KỸ THUẬT HCMUTE

"Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo ."

 Pestalogi

     Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, để đáp ứng được các nhu cầu của các nhà tuyển dụng, ngoài các kiến thức chuyên môn đã học thì Kỹ năng mềm đã trở thành hành trang quan trọng không thể thiếu đối với các bạn học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 15% là do những kiến thức chuyên môn, 85% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Những người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng “mềm”, bởi vì các nghiên cứu cho thấy chúng là một nhân tố đánh giá rất hiệu quả bên cạnh những kỹ năng công việc truyền thống hay còn gọi là kỹ năng “cứng”.

    Với mục đích thực hiện chương trình Giáo dục, Đào tạo và Rèn luyện Kỹ năng mềm cho các em học sinh, sinh viên, giúp các em phát triển toàn diện và phát huy được sức mạnh sáng tạo tiềm ẩn của mình, ngày 23 tháng 09 năm 2020, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh (EBM) đã có buổi gặp mặt và trao đổi cùng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh (HCMUTE) về nội dung công tác giáo dục kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên.

Toàn cảnh chương trình

    Chương trình diễn ra với những nội dung sau:

1. Tuyên bố lý do.

2. Giới thiệu Đại biểu, thành phần tham dự.

3. Thông qua chương trình nội dung làm việc.

4. Phát biểu chào mừng của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

5. Phát biểu Đại diện Khoa Giáo dục và Quản trị Kinh doanh.

6. Giới thiệu trình bày kế hoạch phối hợp của Khoa Giáo dục Kỹ năng mềm về nội dung chương trình làm việc.

7. Phát biểu của các bên, trao đổi các nội dung chính.

8. Ký kết bản ghi nhớ làm việc.

9. Kết thúc, chụp ảnh lưu niệm.

    Đại diện Viện nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh, tham dự buổi gặp gỡ là sự góp mặt của:

  • Ông:  Phạm Văn Giào - Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Khoa Giáo dục Kỹ năng mềm;
  • Bà :   Trần Thị Thiện - Phó Trưởng khoa Thường trực Khoa giáo dục Kỹ năng mềm; 
  • Ông:  Nguyễn Văn Cần - Phó Trưởng khoa Khoa giáo dục Kỹ năng mềm;
  • Cùng với sự tham gia của các bạn Trợ lý, Cộng tác viên Khoa Giáo dục Kỹ năng mềm

Từ phải qua: Ông Nguyễn Văn Cần, Ông Phạm Văn Giào, Bà Trần Thị Thiện cùng các bạn trợ lý, Cộng tác viên của Khoa Giáo dục Kỹ năng mềm

Về phía trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, các đại diện tham gia buổi gặp mặt gồm có:

  • PGS. TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh;
  • Ths. Nguyễn Phương Thúy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Sinh viên;
  • Ths Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên;
  • Ths Phạm Hữu Thái, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp;
  • Ks Lê Xuân Thân, Bí thư Đoàn trường.

Từ trái qua: PGS. TS Lê Hiếu Giang, Ths Trần Thanh Thưởng, Ths Nguyễn Phương Thúy, Ks Lê Xuân Thân và Ths Phạm Hữu Thái

    Nội dung buổi gặp mặt xoay quanh việc: Làm thế nào để GIÁO DỤC và RÈN LUYỆN KỸ NĂNG MỀM một cách HIỆU QUẢ để các bạn học sinh, sinh viên có thể ứng dụng vào thực tiễn công việc và cuộc sống?

    Thay mặt trường, thầy Lê Hiếu Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên. Ngoài các kiến thức chuyên môn, nhà trường mong muốn có thể trang bị cho các bạn những kỹ năng thực hành xã hội, giúp các bạn hoàn thiện và phát triển bản thân.

Cô Nguyễn Phương Thúy bày tỏ quan điểm về công tác giáo dục kỹ năng mềm

    Cô Nguyễn Phương Thúy cho biết: tuy trước đó, nhà trường có thành lập phòng tư vấn tâm lý và có tổ chức các buổi giáo dục kỹ năng giao tiếp và ứng xử, nhưng về tổng thể vẫn chưa thu hút được sự chú ý của các bạn sinh viên. Thực tế, các bạn vẫn cảm thấy e ngại trong việc chia sẻ các vấn đề cá nhân riêng tư với tư vấn viên.

    Trước những băn khoăn của nhà trường, thay mặt Viện, ông Phạm Văn Giào, Phó Viện trưởng, căn cứ vào Thông tư số 04/ 2014/TT-BGDĐT về việc Ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa với mục đích thực hiện chương trình giáo dục Kỹ năng mềm, trình bày kế hoạch hợp tác giữa các bên: Nhằm phát triển và giúp đỡ các em học sinh, sinh viên trên khắp các tỉnh thành cả nước rèn luyện và phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân, Viện đã và đang triển khai chương trình “Hình thành và Phát triển Giáo dục Kỹ năng mềm” gồm 22 chuyên đề với 05 nội dung bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử; Kỹ năng phát triển tư duy; Kỹ năng phát triển bản thân; Quản trị cảm xúc và Sức khỏe – Sinh lý.

Ông Phạm Văn Giào trao đổi cùng nhà trường

    Theo ông Giào, hoạt động giáo dục Kỹ năng mềm hiệu quả hay không, phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Đối tượng giảng dạy và Phương thức tổ chức hoạt động giảng dạy. Cùng với đội ngũ chuyên gia, bác sỹ là các Tiến sỹ, Thạc sỹ chuyên ngành Tâm lý học và các giảng huấn viên được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản, Khoa Giáo dục Kỹ năng mềm không chỉ chú trọng đến giáo dục và rèn luyện các kỹ năng xã hội mà còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển, giáo dục nâng cao nhận thức trong lĩnh vực tâm – sinh lý cho các em học sinh, sinh viên.

    Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh cũng đề xuất mô hình tham vấn tâm lý giấu mặt, trong đó nhà tham vấn và người đề xuất tham vấn không nhìn thấy nhau, nhằm đảm bảo tính bảo mật về thông tin cũng như tôn trọng các quyền cá nhân của người được tham vấn.  Trong tổng số 22 chuyên đề, nhà trường có thể tự do lựa chọn 05 chuyên đề, tổ chức thành các buổi hoạt động ngoại khóa cho các bạn học sinh, sinh viên mà không cần phải chi trả các khoản phí thỉnh giảng kèm theo. Thời lượng và địa điểm bồi dưỡng sẽ do phía nhà trường bố trí, sắp xếp.

    Sau những phút giây bàn bạc, thảo luận sôi nổi, Hội đồng Giáo dục Kỹ năng mềm  Viện nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh đã cùng với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp Hcm thống nhất những nội dung sau:

  • Thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa Viện nghiên cứu Giáo dục và Quản trị Kinh doanh và trường Cao đẳng Kinh tế trong công tác quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học, hoạt động bồi dưỡng trong công tác giáo dục Kỹ năng mềm cho sinh viên;
  • Tiếp tục nghiên cứu, trao đổi nội dung hợp tác giáo dục Kỹ năng mềm cho năm học 2020 – 2021;
  • Xây dựng chương trình giáo dục Kỹ năng mềm cho sinh viên, phục vụ mảng Tâm – sinh lý học đường.

Các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm

Thanh Trúc 

 

 

Copyright © 2019 by HDCODE
088 810 7069