Giao tiếp là một trong những kỹ năng thiết yếu mà mỗi người cần trang bị. Sử dụng nghệ thuật ngôn từ một cách thông minh không chỉ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của bạn trong mắt mọi người. Sau đây là 7 mẹo ứng xử mà bạn cần biết để 'kẻ gặp kẻ nhớ, người gặp người thương' nhé.
1. Mẹo 'Cảm ơn'
Hôm nay, bạn đã nói lời cảm ơn với ai chưa? Có thể bạn chưa biết rằng nói lời cảm ơn cũng là một kỹ năng, và đó là kỹ năng cần thiết của mỗi người. Một lời cảm ơn chân thành, luôn mang đến một niềm xúc động nho nhỏ, góp phần giúp mọi người xóa đi khoảng cách, xích gần nhau hơn. Từ nhỏ ông bà ta đã dạy ta cách để nói lời cảm ơn khi được một ai đó giúp đỡ việc gì hay được cho thứ gì đó. Luôn nói lời cảm ơn chân thành cùng với một nụ cười trên môi sẽ khiến cho tim người giúp đỡ mình "rung rinh". Đồng nghĩa với đó là thể hiện việc tự ý thức về bản thân mình, tôn trọng người khác và biết quý trọng sự giúp đỡ của mọi người.
Nguồn ảnh: Luận văn 1080
2. Không tọc mạch, tò mò chuyện của người khác
Những hành động như tọc mạch, tò mò sẽ không giúp ích gì cho bạn, thậm chí sẽ còn khiến mọi người chẳng coi trọng bạn chút nào đâu. Có thể đối với bạn đó là sự quan tâm, nhưng khi sự quan tâm đi quá giới hạn, khiến người khác phiền toái thậm chí bị tổn thương thì chúng không còn mang nghĩa tích cực nữa. Khi bạn biết quan tâm đúng chỗ, biết điểm dừng của bản thân, thì mọi người xung quanh sẽ tự động có thiện cảm, yêu quý và tin tưởng bạn hơn.
3. Không quát, to tiếng trong thang máy hoặc những nơi công cộng
Chúng ta hay có thói quen rằng khi gặp người quen trong thang máy thì thường sẽ chào hỏi cười nói vui vẻ dù là đang ở trong nơi không gian hẹp như thang máy. Hoặc đi xe buýt sẽ không khó để bắt gặp một nhóm bạn vui vẻ cười đùa ồn ào cả xe. Đừng coi đó là chuyện bình thường nhé. Nói năng nhỏ nhẹ lịch sự nơi công cộng đó là bạn đang tạo một ấn tượng đẹp với mọi người xung quanh. Đối với bạn bè thế giới thì đó càng là một hành động đáng được coi trọng. Bạn muốn xây dựng một hình tượng tốt đẹp trong lòng mọi người thậm chí là với sếp của bạn? Nói chuyện một cách nhã nhặn, nhẹ nhàng chính là điểm cộng tuy 'nhỏ nhưng có võ' đấy
4. Luôn trả lời tin nhắn, điện thoại
Nếu đang trong lớp học hay phòng họp mà bạn bỗng nhận được một cuộc gọi điện thoại nhưng không thể trả lời ngay được? Hãy cố gắng thu xếp thời gian sau đó để gọi lại nhé. Đừng để đối phương nhận được dòng chữ 'đã xem' to đùng mà sau đó là một chuỗi im lặng. Đối phương đã nhắn tin thì phải trả lời, dù cho bạn không muốn nói chuyện hay không biết phải nói gì thì cũng nên dùng biểu tượng hay dấu câu để khéo léo diễn đạt. Việc chúng ta "bơ" đi tin nhắn, không thể hiện cho sự cao giá lạnh lùng mà là thể hiện của việc thiếu văn hóa đấy.
5. Ngừng việc khoe khoang hay nói về bản thân quá nhiều
Cổ nhân từng nói rằng có 3 thứ không thể nói tùy tiện:
Thứ nhất là cái tốt của bản thân mình
Thứ hai là những điều không tốt của người khác
Cuối cùng là những kế hoạch của bản thân
Việc bạn tự hào về những điều tốt của bản thân là đúng đắn, nhưng không nên thể hiện nó ra bên ngoài quá nhiều. Trong cuộc sống, những nhân vật thành công họ thường rất ít khi khoe khoang thành tựu của mình. Đó là cách ứng xử khôn ngoan để người khác đánh giá cao hơn về người đó. Những người khôn ngoan thực sự luôn nói về cái tốt của người khác và để người khác nói về cái tốt của mình.
6. Dám nói câu từ chối
Bạn có bao giờ bị sợ khi phải nói câu từ chối với 1 ai đó không? Khi bạn nói "Có" với 1 thứ thì đồng nghĩa với việc bạn đang nói “không” với 1 thứ khác. Có 1 số lý do khiến cho 1 vài người cảm thấy rằng việc nói câu từ chối là 1 việc cực kỳ khó khăn. Bạn cả nể 1 người nào đó, bạn sợ sẽ khiến người khác bị tổn thương, bạn lo sợ sẽ làm vụt mất cơ hội ghi điểm với sếp hay sợ người khác sẽ giận rồi không thích bạn nữa. Đừng lo vì mẹo sau sẽ giúp bạn nói “Không” dễ dàng hơn.
- Xin lỗi, tôi đang có nhiều việc cần làm quá
- Hãy giới thiệu sang 1 người nào khác
- Tìm cách trì hoãn câu trả lời "Để tôi suy nghĩ đã, mai tôi sẽ trả lời bạn nhé".
- Nếu các mẹo trên đều thất bại thì mẹo cuối cùng cũng là đơn giản nhất, hãy trực tiếp nói “Không”
Mất lòng trước được lòng sau. Nếu bạn cứ nhận lời 1 cách vô tội vạ thì đồng nghĩa với việc bạn đang không công bằng với chính bản thân mình đấy.
Nguồn: Pỉnterest
7. Luôn tôn trọng bản thân
Bạn đã thực sự hiểu rõ về bản thân mình chưa? Bạn thích ăn gì? Đam mê của bạn là gì? Những thói quen mà bạn yêu thích là gì? Hãy khám phá bản thân mỗi ngày chỉ bằng vài bước đơn giản:
1. Hãy lên danh sách các công việc, những điều quan trọng đối với bạn. Điều này giúp bạn xác định được điều bạn cần và muốn trong cuộc sống
2. Tham gia nhiều thử thách, những điều mới mẻ, lạ lẫm mà bạn chưa bao giờ làm. Bạn sẽ thấy thú vị, kì diệu với những cảm giác mới lạ
3. Tạo thói quen viết nhật ký, trình bày cảm xúc của mình ra giấy mỗi ngày. Hãy tự dành thời gian cho chính mình, tự thưởng cho bản thân tại một nơi nào đó mà bạn yêu thích
Rèn luyện được những thói quen trên sẽ giúp bạn nhìn nhận 1 cách rõ ràng hơn về bản thân cũng như tôn trọng bản thân mình hơn. Những mẹo giao tiếp ứng xử thông minh đã nêu trên sẽ giúp bạn rất nhiều trong học tập, công việc, cuộc sống. Do vậy, hãy tích cực rèn luyện kỹ năng mềm này mỗi ngày nhé.
Diễm Hồng