Nhiều người thường nhầm lẫn rằng giao tiếp chỉ đơn thuần là nghe và nói. Tuy nhiên, trên thực tế, nó còn gồm nhiều biểu hiện cảm xúc, cử chỉ…và là khả năng truyền đạt, trao đổi thông tin, lắng nghe, phản hồi, ứng xử,… giữa người nói và người nghe nhằm đạt mục đích nhất định.
Vậy thì làm sao để trở thành một nhà ngoại giao giỏi hay chỉ đơn giản là một người có khả năng giao tiếp giỏi?
Ba tuyệt chiêu sau đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi. "Có công mài sắc có ngày nên kim". Nếu bạn dựa theo những tuyệt chiêu sau đây và cố gắng duy trì như một thói quen thì chúng sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc kiến tạo mối quan hệ giữa người với người đấy!
1. Hãy để ý đến sự tập trung, chú ý khi giao tiếp
Theo các bạn, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong giao tiếp?
Nói hay? Nói nhiều? Nói thuyết phục?
Xin thưa đó hoàn toàn không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình giao tiếp. Yếu tố quyết định nhất trong lúc giao tiếp đó chính là sự tập trung và chú ý.
Chúng ta thường có khuynh hướng nhàm chán khi phải nghe những chủ đề khô khan, sẽ không chú ý nếu người nói trình bày không hấp dẫn hoặc do các nguyên nhân đến từ thái độ người nói, không tập trung vào cuộc trò chuyện, v.v. Vì vậy việc chú ý khi giao tiếp là một tuyệt chiêu vô cùng quan trọng.
Khi bạn chú ý, tập trung khi giao tiếp với đối phương, bạn sẽ không rơi vào tình trạng "bí ý", không có gì để nói. Đồng thời cũng sẽ không xảy ra tình trạng "hớ" vì nói chuyện bị lạc đề.
Hãy tỏ rõ thái độ của mình là đang hứng thú về nội dung mà người khác đang nói, sự phản hồi của chúng ta sẽ làm cho đối phương biết rằng ta đang lắng nghe họ. Việc này sẽ tạo cảm giác thoải mái, cũng như tăng sự tin tưởng, quý mến của họ với chúng ta. Và điều quan trọng đó là phải chú ý lời nói của người đối diện cùng với biểu cảm của họ
Chúng ta đạt được đỉnh cao giao tiếp là khi:
Nói đúng thời điểm
Nói đúng nội dung
Đôi khi đi kèm 1 vài hành động ân cần chu đáo
2. Nói về sở thích của đối phương
Đây là tip dễ nhất khi muốn tạo sự thân tình với người khác kể cả đó là người mới gặp một vài lần.
Việc thấu hiểu được sở thích hoặc những điều gây hứng thú với đối phương là một cách hay đến bất ngờ, giúp bạn chủ động, thoải mái hơn khi giao tiếp, trao đổi với người đối diện.
Để tạo được sự hứng khởi với người khác, phải nói đến những chuyện mà người ta hứng thú. nghệ thuật tuy nhỏ nhưng hiệu quả to. Tìm hiểu sở thích của người đối diện và nương theo trong cuộc trò chuyện, điều đó sẽ tạo hứng thú trò chuyện cho đối phương, sẽ "làm thân" 1 cách dễ dàng hơn.
Ví dụ như:
Khi gặp người già thì nên nói đến những đứa cháu của họ. Vì trong mắt họ, cháu của họ là đáng yêu nhất.
Thấy đối phương có cháu trai, bạn hãy khen thằng bé thật thông minh, hoạt bát. Điều này khiếnđối phương rất thích, Nếu đối phương có cháu gái, bạn hãy khen con bé thật dễ thương…
Việc không biết được sở thích, thói quen của người đối diện đồng nghĩa với việc bạn đã bỏ qua yếu tố quan trọng để tạo nên sự hứng thú trong giao tiếp
Với thời buổi công nghệ ngày nay thì gọi các phương tiện truyền thông là công cụ để có được "trái tim" người khác thì quả không ngoa. Chúng ta có thể thông qua chúng để tìm hiểu thêm về đối phương và dễ dàng tiến hành "làm thân" với họ
Dù trong cuộc trò chuyện ấy bạn là người thuộc vai vế nhỏ hơn, nhưng vẫn sẽ chiếm được 1 phần tình cảm nhất định. Bởi vì sự khiêm tốn, nhiệt tình, và đức tính hòa đồng sẽ là yếu tố chính để người khác quý mến bạn.
"Từ đốm lửa nhỏ sẽ sôi nổi dần lên, bạn sẽ tìm những sở thích chung. Nghệ thuật để trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc không phụ thuộc nhiều ở việc bạn nghĩ bao nhiêu điều thông minh, hoặc những trải nghiệm giống như người hùng biện kiệt xuất. Mà phụ thuộc ở khả năng gợi chuyện và thu hút người khác."
3. Hãy học cách lắng nghe
Sẽ không cảm thấy lạ khi chúng ta bắt gặp tình trạng người này kể câu chuyện A người kia sẽ tìm cách kể câu chuyện B tốt hơn. Câu chuyện trên tuy không hiếm nhưng lại rất dễ bị thất bại trong việc kết nối giữa người với người. Việc đó sẽ làm đối phương cảm thấy tự ái, khiến họ bị hụt hẫng và cảm thấy thua kém
Có 1 sai lầm rất nghiêm trọng nhưng lại dễ mắc phải trong khi giao tiếp của con người đó chính là hay coi mình như trung tâm. Để tránh lặp lại vấn đề này với bản thân thì có một quy tắc chính là hãy tự hỏi bản thân một câu:
Thực ra mình muốn cái gì qua cuộc trò chuyện này? Mình muốn bộc lộ và khoe khoang bản thân hay chỉ đơn giản là muốn trò chuyện mà thôi.
Hãy dẫn dắt câu chuyện đến đúng thời điểm, bạn có thể kể cho đối phương nghe một chút về bản thân, và những điều này đồng thời cũng liên quan đến những điểu mà đối phương vừa nói. Nói một cách đơn giản, nói về bản thân mình tức là biết sử dụng chữ “tôi” một cách hợp lý.
Một người được gọi là thành công trong giao tiếp là khi họ đạt được sự quý mến và tin tưởng của đối phương. Ngược lại, khi 1 cuộc trò chuyện nào đó mà đọng lại cuối cùng không có bất kì sự thân thiết, quý mến nào thì mọi sự "thể hiện" trước đó đều chỉ là vô nghĩa mà thôi. Có chăng thì cũng là thể hiện cho cái tôi, sự hống hách và thích thể hiện.
Vì vậy, muốn thành công trong bất cứ ngành nghề nào cũng phải biết chú ý, tập trung lời của người khác, thông qua đó tìm hiểu được sở thích và tạo hứng thú cho họ, cuối cùng là phải biết lắng nghe. Nếu bạn biết lắng nghe, ủng hộ và khích lệ đúng cách, cuộc nói chuyện sẽ trở nên thoải mái, say sưa. Như vậy, 3 tuyệt chiêu mà chúng tôi đã nêu trên sẽ giúp rất nhiều trong việc hoàn thiện các mối quan hệ, để người với người có thể hiểu nhau hơn, để thân thiết, gắn bó và tin tưởng hơn.
Diễm Hồng